Gửi tiết kiệm ở đâu lãi cao nhất ?
Gửi tiết kiệm ở đâu lãi cao nhất ?
Lãi suất huy động của các ngân hàng trượt giảm dài và được đánh giá ở mức thấp nhất lịch sử, thế nhưng vẫn có nhà băng tìm vốn với mức lãi suất lên trên 8%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất lên 8,4%/năm 8,4%/năm là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường do Eximbank ấn định ở kỳ hạn 13 và 24 tháng. Các kỳ hạn khác của nhà băng này vẫn nằm trong mặt bằng chung trên thị trường như kỳ hạn dưới 6 tháng là 3,5%/năm, 6 tháng ở mức 5,6%/năm, 12 tháng là 7,2%/năm… Tuy nhiên khách hàng muốn nhận được lãi suất cao 7,2%/năm hay 8,4%/năm phải gửi số tiền từ 500 tỉ đồng trở lên. Cũng với hạn mức gửi tiền trên 500 tỉ đồng ở kỳ hạn 13 tháng, OCB áp dụng lãi suất 8,2%/năm, 12 tháng là 8,1%/năm.
Dù thị trường bất động sản năm 2021 có nóng hay lạnh, nền kinh tế có vượt qua dịch Covid-19 hay không… cũng cần vay tiền từ NH. Cụ thể, nhà đầu tư bất động sản bị “ngợp” cần bán gấp bất động sản để trả nợ, thị trường cũng xuất hiện nhu cầu vay vốn từ người săn mua giá rẻ… Khi nhu cầu tín dụng tăng, NH buộc phải giữ lãi suất huy động ở mức ổn định.
TS Đinh Thế Hiển
TS Đinh Thế Hiển
Một số ngân hàng (NH) khác có lãi suất huy động ở mức cao như ACB với 7,4%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, số tiền gửi từ 30 tỉ đồng trở lên, trong khi với số tiền thấp hơn sẽ có mức lãi suất 6,6%/năm; SCB cao nhất 7,3%/năm ở kỳ hạn 12 tháng với số tiền từ 500 tỉ đồng trở lên; NH Bản Việt có mức lãi suất huy động cao nhất ở 7,3%/năm…
Đáng nói, nhóm NH có mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay không phải là 4 NH thương mại lớn có vốn nhà nước như thường lệ, mà là Techcombank. Nhà băng này huy động lãi suất cao nhất cũng chỉ ở mức 5,3%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, còn đối với kỳ hạn 1 tháng từ 2,35 – 2,8%/năm, 3 tháng từ 2,5 – 2,9%/năm, 6 tháng từ 3,8 – 4,4%/năm, 12 tháng từ 4,3 – 4,9%/năm… Trong khi Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV có lãi suất huy động cao nhất cũng lên 5,6%/năm…
Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH cũng tiếp tục giảm nhẹ đầu năm 2021, cụ thể, ngày giao dịch 4.1, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 0,15%/năm, 1 tuần còn 0,34%/năm, 1 tháng còn 0,3%/năm, 3 tháng còn 1,6%/năm, 6 tháng còn 3,66%/năm và 9 tháng còn 3,22%/năm.
Theo báo cáo của Trung tâm phân tích chứng khoán SSI, thị trường tiền tệ từ ngày 28 – 31.12.2020, lãi suất tiền gửi năm 2020 đã giảm 1,5 – 3%/năm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất cho vay cũng giảm 0,5 – 2,5%/năm và đều đang ở vùng thấp lịch sử. Lãi suất trên thị trường liên NH đi ngang ở mức thấp. Tính chung cả năm 2020, NH Nhà nước không bơm/hút ròng trên thị trường mở nhưng một lượng tiền đồng lớn được bơm vào thị trường thông qua hoạt động mua vào ngoại tệ. Nếu dự trữ ngoại hối cuối năm 2020 đạt 100 tỉ USD theo ước tính của Chính phủ thì lượng bơm tiền ròng từ NH Nhà nước tăng thêm khoảng 13% so với cùng kỳ 2020.
Lãi suất huy động khó giảm thêm
Lãi suất huy động của NH giảm sẽ hỗ trợ cho chi phí vốn của ngành nói chung tiếp tục giảm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tăng trên toàn ngành, bình quân tại 13 NH thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI đạt 20,9% (vào ngày 30.9.2020) – mức cao nhất trong 3 năm qua. Theo đó chi phí vốn đã giảm 0,37% trong 9 tháng năm 2020. SSI dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể đạt 12% và 13 – 14% trong năm 2021 nhờ nền kinh tế phục hồi, sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn.
Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, dự báo lãi suất huy động trong năm 2021 khó giảm khi đã về mức khá thấp như hiện nay. Với lãi suất ngắn hạn của các NH dưới cả mức trần cho phép 4%/năm cho thấy tình hình thanh khoản của hệ thống khá tốt. Đối với lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên cũng khá ổn định, bình quân từ 6 – 6,5%/năm, dù rằng có một số NH huy động ở mức cao, trên 8%/năm. Đây cũng là điều bình thường khi NH cần nguồn vốn để cân đối cho vay trung dài hạn. Trong một thị trường cạnh tranh, lãi suất khác nhau giữa các NH không có gì ngạc nhiên. Thế nhưng, người có tiền thận trọng khi chọn kỳ hạn gửi dài với số tiền lớn. Lãi suất huy động nếu giảm thêm trong năm 2021, khả năng nguồn tiền tiết kiệm sẽ chuyển dịch sang kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán. Hiện nay đang có hiện tượng này khi chỉ số CASA của các NH tăng dần qua các quý, điều này cho thấy nhà đầu tư chuẩn bị sẵn nguồn tiền trên tài khoản không kỳ hạn để tham gia vào các kênh đầu tư khác.
THANH XUÂN
TNO