28/01/2025

Doanh nghiệp lạc quan với năm ‘bản lề’

Doanh nghiệp lạc quan với năm ‘bản lề’

Nhiều doanh nghiệp đã về đích năm 2020, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Thậm chí, không ít đơn vị lên kế hoạch khá hoành tráng cho năm nay, 2021.
Doanh nghiệp có nhiều kế hoạch và dự báo khá lạc quan trong năm nay 2021 /// ẢNH: NGUYÊN NGA
Doanh nghiệp có nhiều kế hoạch và dự báo khá lạc quan trong năm nay 2021ẢNH: NGUYÊN NGA

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm 50%

Khác với doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày dép phải “chạy đua” về đích, với ngành chế biến thực phẩm, đặc biệt nhóm hàng thức ăn nhanh, DN khá thong dong. Đại diện Công ty cổ phần Sài Gòn Food (SagoFood) cho hay đến tháng 12.2020, tổng doanh thu của công ty đã đạt 2.700 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2019.
Đặc biệt, trong đó, mức tăng trưởng khủng nhất ghi nhận bán hàng qua kênh thương mại điện tử tăng đến 750% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Cao – Phó giám đốc marketing SagoFood, doanh số tăng là điều có thật. Song lợi nhuận lại giảm mạnh hơn một nửa do ảnh hưởng lớn từ đại dịch.
“Trong đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu đầu vào được mua với giá khá thất thường, đơn hàng cũng thất thường, đầu tư các phương tiện chống dịch, rồi khuyến mãi giảm giá đồng hành cùng những khó khăn của người tiêu dùng… nên chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để đồng hành cùng Chính phủ chống dịch…”, ông Cao cho biết.
Cũng trong ngành thực phẩm, theo Công ty CP thực phẩm Sao Ta, hết năm 2020, doanh số của công ty đạt 192 triệu USD, tăng 20% so với năm 2019. Lợi nhuận cả năm cũng hoàn thành chỉ tiêu nhưng chỉ hơn năm 2019 không đáng kể. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, nhận định năm 2020 đầy khó khăn, bất trắc do dịch Covid-19, nhất là hệ thống tiêu thụ thực phẩm dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi…) bị ảnh hưởng nhiều, thu nhập người tiêu dùng giảm sút khiến giá cả tiêu thụ chỉ ở mức trung bình.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cơ hội đến với DN không nhỏ. Các cường quốc nuôi tôm bị gãy đổ chuỗi cung ứng vì đại dịch, khiến sản lượng tôm nuôi sụt giảm. Ngành nuôi tôm của Việt Nam có sản lượng cao hơn, góp phần tăng trưởng trên 12% kim ngạch xuất khẩu so năm rồi. Thứ hai, giá tôm nguyên liệu trong quý 4 tăng mạnh khiến lợi nhuận của công ty khó đạt như kỳ vọng.
Với DN xuất khẩu, đại diện Công ty gỗ Đức Thành cho biết doanh thu tăng 18%, lợi nhuận chỉ bằng năm ngoái. “Đó là kết quả quá tuyệt vời bởi Covid-19, nhiều thị trường gần như đóng băng, hoặc giảm mạnh. 2 tháng cuối năm, chúng tôi quá may mắn nhận loạt đơn hàng từ Mỹ, châu Âu chuyển về, đẩy doanh thu tăng vượt chỉ tiêu. Có thể nói nếu Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu của năm 2020 thì Gỗ Đức Thành là một điểm sáng hiếm hoi trong đó”, vị này nhận định.
Tương tự, đại diện Phúc Sinh Group cũng cho biết thở phào khi vượt qua được khó khăn của năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu gần 250 triệu USD và lợi nhuận tăng 10% so với năm 2019. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, chia sẻ trong năm qua, có lúc doanh thu công ty sụt giảm 40% nên phải xoay xở, thay đổi để làm thế nào vẫn có doanh thu, đơn hàng. Từ đó, ông tập trung vào thị trường nội địa khi thị trường xuất khẩu bị tác động nặng nề và doanh thu trong nước cũng tăng lên 5 lần. Bên cạnh đó, thành công của năm vừa qua là công ty đã ra được nhiều sản phẩm mới, xuất khẩu được các sản phẩm thương hiệu riêng của công ty…

Đơn hàng chuyển hướng qua Việt Nam

Điểm bất ngờ mà Gỗ Đức Thành chia sẻ thêm là trong 2 tháng cuối năm, việc nhận loạt đơn hàng của đối tác Mỹ, châu Âu, chuyển mua hàng từ Trung Quốc về Việt Nam giúp cho DN tăng mạnh doanh số. Tổng giá trị khoảng 3,7 triệu USD tăng 130% so với cùng kỳ, ước đạt 25% kế hoạch cả năm 2021. “Kế hoạch của chúng tôi trong năm tới là doanh số phải tăng 15%, lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn năm nay. Đổi lại, những sản phẩm mới sẽ được thay thế do yêu cầu khách hàng. Chẳng hạn, bàn ghế cho trẻ em, trước đây các nhà mua hàng ở Mỹ đặt mua tại Trung Quốc là chủ yếu, nay họ mua ở Đức Thành với đơn hàng trị giá 300.000 USD. Đây là đơn đặt hàng thử, nếu đúng chất lượng và đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về sản phẩm dành cho trẻ của thị trường Mỹ, họ sẽ đặt gấp 10 lần số này”, đại diện Gỗ Đức Thành thông tin và cho rằng bức tranh xuất khẩu ngành gỗ trong năm nay 2021 sẽ đầy hứa hẹn.
Không chỉ có gỗ Đức Thành, một số công ty khác cũng đã đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay khá hoành tráng. Đặc biệt, việc tăng tốc xuất khẩu sang các thị trường lớn mà Việt Nam ký kết hợp tác thương mại tự do và “tăng chăm khách hàng nội địa” cũng được đề ra. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, cho rằng diễn biến của dịch Covid-19 hiện vẫn còn phức tạp dù đã có vắc xin. Thế nhưng, đây là cơ hội để ngành tôm bứt phá cho những năm tới, có thể Việt Nam trở thành nước có sản lượng tôm nuôi lớn nhất thế giới cũng sẽ nhanh. Riêng Sao Ta không đặt kế hoạch 2021 tăng trưởng cao, vì năm vừa qua đã chế biến gần hết công suất. Từ năm 2021, công ty tập trung xây dựng thêm cùng lúc hai nhà máy chế biến mới. Năm 2021 là năm bản lề, nền tảng cho những năm sau, 2022 mới tăng tốc thực sự cho chiến lược kinh doanh 2021 – 2025 của mình.
Còn theo ông Phan Minh Thông, công ty chưa dám đặt ra chỉ tiêu cụ thể nào vì thị trường xuất khẩu vẫn chưa rõ nét. Những ngày cuối năm 2020, công ty đã phải vật lộn vì tình trạng thiếu container để xuất khẩu, thay vì bình thường mỗi ngày phải xuất đi khoảng 40 container, nay chỉ xuất được 4 -5 container. “Tôi hy vọng vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được tiêm rộng rãi ở nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam và các nước kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Khi đó sẽ có cơ hội lại sang các nước làm marketing, hội chợ, thăm bạn hàng như những năm trước đây và xuất khẩu cũng sẽ khởi sắc trở lại”.
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG
TNO