25/12/2024

Dược sĩ Mỹ huỷ hàng trăm liều vắc xin COVID-19 vì cho rằng ‘gây biến đổi gen’

Dược sĩ Mỹ huỷ hàng trăm liều vắc xin COVID-19 vì cho rằng ‘gây biến đổi gen’

Bị bắt vì tội phá hoại hơn 500 liều vắc xin COVID-19, dược sĩ tại bang Wisconsin khai ông làm vậy vì tin rằng vắc xin sẽ gây biến đổi gen của người được tiêm.

 

Dược sĩ Mỹ hủy hàng trăm liều vắc xin COVID-19 vì cho rằng gây biến đổi gen - Ảnh 1.

Dược sĩ Steven Brandenburg thuộc tổ chức phi lợi nhuận Advocate Aurora Health xuất hiện trong phiên xử qua mạng ngày 4-1-2020 vì tội phá hoại hơn 500 liều vắc xin COVID-19 – Ảnh: NBC CHICAGO

Hãng tin AP dẫn thông tin này từ cáo trạng của tòa Mỹ công bố ngày 4-1.

Trước đó, cảnh sát tại Grafton, cách thành phố Milwaukee khoảng 32km về phía bắc, đã bắt dược sĩ Steven Brandenburg thuộc tổ chức phi lợi nhuận Advocate Aurora Health sau cuộc điều tra về vụ việc 57 lọ vắc xin COVID-19 của Moderna bị làm hỏng.

Lượng vắc xin bị phá hỏng theo nhà chức trách đủ tiêm cho hơn 500 người.

“Ông ấy tin rằng các vắc xin không an toàn”, ông Adam Gerol, ủy viên công tố quận Ozaukee, nói trong phiên nghe xử qua mạng.

Ông Adam Gerol cũng cho biết thêm dược sĩ Brandenburg đang buồn phiền khi ông và vợ ly hôn. Một nhân viên ở Advocate Aurora Health cho biết ông Brandenburg thậm chí đã hai lần mang súng tới công sở.

Văn bản điều tra của một thám tử về nguyên nhân của vụ việc cho biết ông Brandenburg, 46 tuổi, là một người tin tưởng thuyết âm mưu.

Ông này khai với các nhà điều tra rằng ông cố ý phá hủy vắc xin vì nghĩ nó có thể gây hại cho người được tiêm khi làm biến đổi gen của họ.

Các thông tin sai về vắc xin COVID-19 đã trôi nổi trên mạng Internet trong suốt thời gian qua. Nhiều cáo buộc vô căn cứ về hệ lụy tiêu cực của vắc xin COVID-19 đã được những người theo trường phái chống vắc xin gieo rắc trên mạng.

Các thông tin sai lệch có rất nhiều loại, từ chuyện về thành phần bào chế vắc xin cho tới những tác dụng phụ có thể xảy ra. Một trong những thông tin sai được lan truyền sớm nhất nói rằng vắc xin COVID-19 có thể làm biến đổi gen của người được tiêm.

Các hãng sản xuất vắc xin như Pfizer, BioNTech và Moderna đều bào chế vắc xin COVID-19 trên nền tảng công nghệ messenger RNA (hay Mrna).

Đây vốn là công nghệ còn khá mới được ứng dụng trong sản xuất vắc xin, do đó nhiều người còn chưa có thông tin đầy đủ về nó, tạo điều kiện cho các thông tin giả bóp méo, xuyên tạc lan truyền trên mạng Internet.

D. KIM THOA
TTO