24/12/2024

Chuyên gia ‘thân Trung Quốc’ liên tục xảo trá về Biển Đông

Chuyên gia ‘thân Trung Quốc’ liên tục xảo trá về Biển Đông

TS Mark J.Valencia, người đang làm việc cho Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông, vừa có thêm nhiều bài viết nhằm ngụy biện cho Trung Quốc và đổ tội cho các nước khác liên quan các căng thẳng trên Biển Đông.
TS Valencia (ảnh nhỏ) liên tục xảo biện về việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông /// MAI THANH HẢI - THE JAKARTA POST
TS Valencia (ảnh nhỏ) liên tục xảo biện về việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông   MAI THANH HẢI – THE JAKARTA POST
Cụ thể, ngày 1.1.2021, ông Valencia viết bài US and its allies must be wary of provoking South China Sea conflict over freedom of navigation (tạm dịch: Mỹ và đồng minh cần thận trọng việc kích đồng xung đột trên Biển Đông về tự do hàng hải) trên tờ South China Morning Post. Trước đó, ngày 29.12.2020, vị này đăng bài viết có tên Biden, China and South China Sea: a different perspective (tạm dịch: Biden, Trung Quốc và Biển Đông – một góc nhìn khác) trên tờ Asia Times.

Đổ vấy trách nhiệm

Trong bài viết ngày 29.12.2020, ông Valencia chỉ trích bài phân tích của TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) – đăng ngày 15.12.2020 trên CNA. Qua bài viết của mình, TS Koh cho rằng ông Joe Biden khi trở thành Tổng thống Mỹ thì cần tiếp tục tăng cường các biện pháp mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Theo ông Koh, Trung Quốc đã liên tục quân sự hóa các đảo, bãi đá ở Biển Đông và gây ra nhiều quan ngại.
Chỉ trích quan điểm của TS Koh, ông Valencia ngụy biện rằng Trung Quốc không hề quân sự hóa các đảo, bãi đá ở Biển Đông. Không những vậy, ông Valencia đổ vấy trách nhiệm rằng “Việt Nam và Mỹ đã không ngừng quân sự hóa” ở vùng biển này, nên khiến Trung Quốc phải đáp trả. Cụ thể, bài của TS Valencia viết trên tờ Asia Times có đoạn: “Trung Quốc không có ý định “quân sự hóa” các thực thể (trên Biển Đông – NV). Nhưng khi Việt Nam và Mỹ leo thang “quân sự hóa” ở Biển Đông, Trung Quốc cảm thấy cần đáp trả những gì mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa cho lực lượng quân sự và hạ tầng của Trung Quốc tại đây”.
Thực tế thì ngược lại, chính Bắc Kinh đã không ngừng leo thang bằng cách xây dựng hạ tầng phi pháp, triển khai vũ khí hạng nặng trên các thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Cụ thể, từ khoảng 5 năm qua, chiến đấu cơ của Trung Quốc thường xuyên có mặt ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Từ năm 2016, Bắc Kinh cũng đã triển khai hệ thống tên lửa đối không ở đảo này, rồi sau đó có thêm tên lửa tấn công tàu chiến YJ-62.
Còn tại 3 đảo nhân tạo là Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng nhiều hạ tầng. Cụ thể, từ năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng xong đường băng dài 3.000 m, nhà chứa máy bay cỡ lớn… ở 3 đảo nhân tạo này. Ngay sau khi hoàn thành các cơ sở hạ tầng, Trung Quốc điều động nhiều loại máy bay quân sự đến khu vực này.
Đến năm 2018, nhiều loại vũ khí như hệ thống tên lửa đối hạm YJ-12B, tên lửa đối không HQ-9B cũng đã được triển khai đến các thực thể trên. Điều này được thể hiện rõ qua hình ảnh vệ tinh được công bố bởi Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ). Bắc Kinh cũng chưa bao giờ lên tiếng bác bỏ điều đó.
Gần đây, hình ảnh còn cho thấy oanh tạc cơ H-6, vốn có thể mang theo vũ khí hạt nhân, cũng đã xuất hiện ở các đảo, bãi đá tại Biển Đông. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh muốn sử dụng sức mạnh răn đe hạt nhân tại đây.
Các bằng chứng vừa nêu đã cho thấy ông Valencia đã đổ vấy trách nhiệm. Tương tự, trong bài viết đăng ngày 1.1.2021, ông Valencia lại quy kết trách nhiệm cho Mỹ và đồng minh về căng thẳng trên Biển Đông, mà không đề cập đến bất cứ trách nhiệm nào từ Trung Quốc.

Người chuyên xảo biện

Những năm qua, TS Valencia thường xuyên có nhiều bài viết xảo biện như thế về Biển Đông.
Điển hình, bài viết What really drives the South China Sea conflict (tạm dịch: Nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ xung đột ở Biển Đông) đăng trên tờ Asia Times ngày 1.11.2020 cho rằng nguyên nhân thật sự gây căng thẳng, ẩn chứa nguy cơ xung đột ở Biển Đông là các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển này. Bài viết tự trao cho Trung Quốc cái gọi là “bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông, bất chấp việc tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016.
Hay vào tháng 3.2020, ông Valencia viết bài Why the US-Vietnam strategic alliance in the South China Sea is unlikely to last (tạm dịch: Liên minh chiến lược Việt – Mỹ khó lâu bền) đăng trên tờ South China Morning Post để nhận định việc tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ. Tựu trung bài viết, tác giả đe dọa “nếu Việt Nam chọn vị trí chống Trung Quốc và ủng hộ Mỹ thì đó là phù du”. Trong khi Việt Nam là nạn nhân của các hành vi gây rối của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Valencia lại đánh tráo khái niệm rằng Việt Nam đã “câu kết” với Mỹ để gây rối Trung Quốc.
Năm 2018, tiến sĩ này cũng bị giới nghiên cứu chỉ trích dữ dội khi đăng bài trên tờ The Jakarta Post cho rằng những hành động quân sự hóa phi pháp và gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ nhằm “phòng thủ” vì những nước trong khu vực “lôi kéo, dựa hơi Mỹ để gây hấn”. Nhưng như đã nói, giới học giả quốc tế chỉ ra rằng đó là ngụy biện.
Tất cả nhằm đổi trắng thay đen về những nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông, hòng phục vụ cho tham vọng chủ quyền sai trái của Trung Quốc.
“Bùa phép” tuyên truyền
Bên cạnh các hành vi gây hấn trên Biển Đông, Bắc Kinh còn đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm biện minh, đổ lỗi liên quan các căng thẳng trên Biển Đông. Hơn 2 năm qua, Trung Quốc xây dựng một số trung tâm nghiên cứu như Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) – Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)… Qua đó, Bắc Kinh tìm cách chiêu dụ những chuyên gia quốc tế để thực hiện các chiến dịch truyền thông chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi… về các bất ổn trên Biển Đông, rồi mở đường cho việc tạo cớ gây căng thẳng.
Nổi bật cho chiêu trò này là TS Mark Valencia, thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải, liên tục có những bài viết đánh tráo khái niệm để đổ lỗi cho Việt Nam cùng một số nước khác gây rối trên Biển Đông khiến Trung Quốc phải tăng cường vũ khí để phòng thủ. Các bài viết của ông Valencia đã bị giới nghiên cứu quốc tế phản ứng, chỉ trích mạnh mẽ.
NGÔ MINH TRÍ
TNO