24/12/2024

Tín dụng xanh còn quá nhiều rào cản

Tín dụng xanh còn quá nhiều rào cản

Thủ tục cho vay phức tạp, cơ chế chưa đầy đủ, năng lực doanh nghiệp hạn chế…. là những nguyên nhân khiến dòng vốn tín dụng xanh cho các dự án thân thiện với môi trường vẫn còn rất khiêm tốn, rụt rè.
Các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch vẫn gặp nhiều khó khăn /// Ảnh Thiện Nhân
Các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch vẫn gặp nhiều khó khăn ẢNH THIỆN NHÂN

Dư nợ khoảng 285.000 tỉ đồng

Tín dụng xanh (Green Credit) là nghiệp vụ cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.
Với người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, tín dụng xanh giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong khi đó, về phía ngân hàng, việc triển khai chương trình tín dụng xanh còn giúp ngân hàng giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ hình ảnh thương hiệu trên thị trường.
Tại BIDV, tổng dư nợ đối với các dự án xanh của nhà băng đến thời điểm hiện tại rơi vào khoảng vài chục nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay. Sacombank cũng dành khoảng chục nghìn tỉ đồng cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp mới và hiện hữu, có nhu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực “xanh”.
Bà Nguyễn Thùy Dương, đại diện Trung tâm Giải pháp tài chính VietinBank, chia sẻ ngân hàng đã chủ động định hướng ưu tiên các dự án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; chú trọng cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng… Tính tới quý 3.2020, VietinBank có dư nợ tín dụng xanh là 22.700 tỉ đồng cho gần 278 dự án. Trong đó tỷ trọng tập trung chủ yếu là dư nợ thuộc ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm 71% dư nợ tín dụng xanh)…
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước (NHNN), cho biết NHNN luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường bao gồm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hiện tín dụng cho năng lượng tái tạo là một trong 12 lĩnh vực xanh được NHNN thực hiện theo dõi dư nợ tín dụng. Việt Nam có 31 tổ chức tín dụng có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh với dư nợ trên 285.000 tỉ đồng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo.
Tín dụng xanh còn quá nhiều rào cản - ảnh 1

Tín dụng cho các dự án “xanh” còn vướng nhiều cơ chế ẢNH NGUYÊN NGA

Gỡ nút thắt, khơi thông tín dụng xanh

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng đầu tư vào lĩnh vực xanh thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường nên việc thẩm định dự án phức tạp, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn theo chi phí vốn thương mại trên thị trường. Ngoài ra, các chỉ tiêu cụ thể để phân loại ngành, lĩnh vực chưa cụ thể; năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu. Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền từ chối mua trong hợp đồng mua bán điện, dẫn tới khó thẩm định chính xác được doanh thu của dự án trong quá trình thẩm định tín dụng…
Trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng xanh, bà Nguyễn Thùy Dương (VietinBank) nhận định, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, nhất là lĩnh vực điện nói chung và lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng. Trong khi đó, năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa thực sự vững vàng.
Để giải quyết được khó khăn trên, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Nhanh chóng xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được hỗ trợ các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh.
TIÊU PHONG
TNO