23/11/2024

Giáo viên dám ‘vượt khung’, dạy những bài học không có trong chương trình

Giáo viên dám ‘vượt khung’, dạy những bài học không có trong chương trình

Để học sinh có thêm những trải nghiệm ngoài những tiết dạy trên lớp, giáo viên Hoàng Thị Thanh Tâm đã chủ động kết nối với các đơn vị ngoài trường học làm các dự án để học sinh tìm hiểu về các chủ đề ngoài sách vở.
Cô Thanh Tâm (ngoài cùng bên trái) kết nối học sinh với các chuyên gia, tư vấn viên nước ngoài trong các dự án /// NVCC
Cô Thanh Tâm (ngoài cùng bên trái) kết nối học sinh với các chuyên gia, tư vấn viên nước ngoài trong các dự án NVCC

Những tiết dạy không có trong chương trình

Tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải nhiều lần nghỉ học để chuyển sang học trực tuyến. Là một giáo viên tiếng Anh, ngoài việc làm chương trình dạy trực tuyến cô Hoàng Thị Thanh Tâm, Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP.HCM) tự hỏi có cách nào để học sinh có hứng thú hơn với việc học khi phải học trực tuyến.
Từ câu hỏi ban đầu, cô Tâm tìm hiểu thông tin và được biết tê tê, một loại động vật quý hiếm trở thành mối nguy cơ là động vật trung gian lây truyền virus Corona sang người. Vì lý do này, loài động vật vốn đã quý hiếm càng đứng trước nhiều nguy cơ tuyệt chủng hơn.
Vậy là cô Tâm liên lạc với Vườn quốc gia Cúc Phương để tìm hiểu loài động vật này, từ những kiến thức thực tế, cô lập dự án “Những người bạn của tê tê” và kêu gọi học sinh của mình tham gia.
“Lúc đầu tự mày mò làm dự án mình thấy vừa tốn thời gian, vừa lo lắng học sinh không hứng thú. Nhưng không ngờ sau khi nghe về dự án này nhiều em đã đăng ký và tham gia sôi nổi. Mình cũng kết nối được với nhân viên từ rừng Cúc Phương, họ sẵn sàng chia sẻ kiến thức thực tế về loại động vật này để các em biết nhiều hơn. Toàn bộ dự án đều làm bằng tiếng Anh, nhờ vậy ngoài kiến thức về các loài động vật, kỹ năng ngôn từ của học sinh vì thế cũng được cải thiện rất nhiều”, nữ giáo viên chia sẻ.
Với dự án này, học sinh của cô Tâm sẽ tìm hiểu và học hỏi thêm kiến thức từ nhân viên bảo vệ động vật của rừng quốc gia Cúc Phương, các em sau đó chia nhóm, tổ chức hoạt động và viết bài báo cáo.
Sau này, khi hết thời gian nghỉ học phòng dịch, quay trở lại trường nhóm học sinh này còn trở thành “tư vấn viên”, chia sẻ lại kiến thức mình học được với học sinh ở các trường THCS trong thành phố. Nhiều em vì thế không chỉ có thêm kiến thức mà còn có thêm kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông, tự kết nối tìm hiểu thông tin.
“Lúc đầu nhiều em còn chưa biết con tê tê là con gì, sau dự án nhiều em nhận thức tốt hơn về việc bảo vệ động vật quý hiếm và giữ gìn môi trường sống. Dự án này không chỉ riêng trò, mà cả giáo viên cũng trưởng thành hơn rất nhiều”, cô Tâm nói.
Sau khi hoàn thành dự án, để tiếp tục duy trì hoạt động cô Thanh Tâm và học sinh của mình lập ra câu lạc bộ Acting for the Future (Hành động vì tương lai). Ngoài những tiết dạy và học trên lớp, cô trò lại làm các hoạt động dự án. Trong học kỳ 1, cô Tâm lại cùng học trò làm tiếp dự án “Hành động vì khí hậu”, học sinh lại thỏa sức tìm hiểu kiến thức thực tế và học thêm nhiều từ vựng từ những bài học không nằm trong chương trình.

Kết nối học sinh với những lớp học ngoài biên giới

Không chỉ dừng lại ở những dự án, cô Thanh Tâm còn kết nối với các tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế để học sinh tham gia những dự án phù hợp.
Giáo viên dám ‘vượt khung’, dạy những bài học không có trong chương trình - ảnh 1

Học sinh hào hứng với những tiết dạy ‘vượt khung’ chương trình do cô giáo của mình lập ra   NVCC

Trong dự án “Hành động vì khí hậu”, lớp học của Tâm kết nối được với các tư vấn viên từ Singapore và những lớp học tương tự ở Úc. Học sinh chia sẻ thông tin về tình hình khí hậu ở Việt Nam với bạn bè quốc tế và lắng nghe chia sẻ của họ về những vấn đề khí hậu ở quốc gia khác.
“Lần đầu tiên khi lớp học vượt qua khung chương trình, vượt qua cả biên giới quốc gia từ việc kết nối mạng nên học sinh hào hứng lắm. Các em được tư vấn thêm kiến thức cũng như cách tổ chức hoạt động từ các tư vấn viên quốc tế, được trao đổi kiến thức từ các bạn học sinh ở Úc. Đây không còn đơn thuần là hoạt động để dạy Anh ngữ nữa, mà các em được học nhiều hơn so với một tiết dạy bình thường”, cô Thanh Tâm nói.
Cũng từ các tiết học dự án, học sinh nhiều lớp thuộc các khối khác nhau lại cùng thành lập nhóm nên việc kết nối chia sẻ vì thế cũng tốt hơn. “Tham gia những dự án này, cả cô và trò đều mệt và mất nhiều thời gian nhưng kết quả nhận lại được nhiều hơn bọn em nghĩ. Mà được nhiều nhất đó là việc rèn luyện kỹ năng, từ việc tìm hiểu thông tin, lập kế hoạch, làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông… Bọn em cũng học hỏi được nhiều kiến thức thực tế và mở rộng hơn so với chương trình”, một học sinh thuộc câu lạc bộ Acting for the Future chia sẻ về những tiết dạy của giáo viên Hoàng Thị Thanh Tâm.
NGUYỄN LOAN
TNO