24/12/2024

Ám ảnh ùn tắc đô thị Hà Nội: Đường vừa mở đã tắc cứng tứ bề

Ám ảnh ùn tắc đô thị Hà Nội: Đường vừa mở đã tắc cứng tứ bề

Tắc mọi nẻo đường giờ tan tầm, từ đường lớn đến đường nhỏ, dù trời nắng hay mưa… là ám ảnh của rất nhiều người dân Hà Nội, trong khi những nỗ lực của thành phố nhiều năm qua đang tỏ ra chưa hiệu quả.
Hỗn loạn, mạnh ai nấy đi là một đặc trưng của giao thông Hà Nội /// Ảnh Ngọc Thắng
Hỗn loạn, mạnh ai nấy đi là một đặc trưng của giao thông Hà Nội  ẢNH NGỌC THẮNG

“Không lối thoát”

17 giờ chiều 31.12.2020, chị Hiền (Q.Hà Đông, Hà Nội) len lỏi xe qua ngã 4 Tố Hữu – Lương Thế Vinh với cảm giác bất lực, khi dòng phương tiện ô tô, xe máy, xe buýt nhanh dàn thành thế trận không lối thoát. Tất cả các chỗ trống có thể len lên được đều bị các xe “điền vào”, dù là rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng.
Trên radio trong ô tô, các biên tập viên của Chuyên mục VOV Giao thông cũng đưa ra hàng loạt cảnh báo: “Đường Ngã Tư Sở đã tắc rồi thưa các bạn, đúng là ngã tư khổ, đường Láng nếu các bạn hy vọng không tắc thì xin chia buồn vì đã không còn lối nào đi, đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến cũng vậy… Tất cả các con đường đều đã tắc”.
Kẹt xe tứ bề không chỉ là câu chuyện của buổi chiều cuối năm vội vã, nó đã trở thành “đặc sản” của Hà Nội vào bất cứ giờ cao điểm ngày bình thường. Chỉ cần một cơn mưa to vào đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều, hay đột nhiên trời trở lạnh, tràn ngập trên mặt báo là hình ảnh những con đường đỏ rực đèn xe của Hà Nội. Từng dòng xe ô tô, xe máy xếp cứng, nhích từng mét nối đuôi nhau hoặc kẹt cứng trong một giao lộ mà tất cả mọi người cùng rẽ.
Dù báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội năm nào cũng khẳng định đã giảm hơn trên dưới 10 điểm đen ùn tắc. Như năm 2020, Sở GTVT Hà Nội cho biết đã xoá được 8 điểm đen ùn tắc, toàn thành phố còn tồn tại 26 điểm thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Con số này có vẻ thấp hơn rất nhiều so với 30 – 40 điểm đen ùn tắc những năm trước, nhưng thực tế không phải như vậy!
Nếu trước đây ùn tắc chỉ rơi vào giờ cao điểm hoặc các nút giao xung đột, thì nay ùn tắc có thể cả vào giờ thấp điểm và tắc kéo dài trên nhiều con đường từ vành đai 3, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, hầm chui Trung Hoà, Lê Văn Lương – Tố Hữu, Kim Mã – Nguyễn Thái Học… Việc rào chắn thi công các công trình giao thông lớn khiến lòng đường bị thu hẹp càng làm tăng ùn tắc tại một số điểm nóng như nút giao Lê Văn Lương – Tố Hữu – Khuất Duy Tiến, đoạn Đại La – Minh Khai đến khu đô thị Times City…

Mở đường “đuổi” không kịp dân số, phương tiện

Một thực tế là dù liên tục mở đường, song con đường mới nào cũng chỉ thông thoáng được một thời gian ngắn trước khi lặp lại cảnh ùn tắc. Cá biệt, đường vành đai 2 trên cao vừa thông xe đã ùn tắc trầm trọng. Trong khi, đường Nguyễn Trãi là một trong những con đường nhiều làn nhất nội đô, với 6  – 8 làn/mỗi bên, nhưng cũng là một trong những trục giao thông nóng nhất.
Ám ảnh ùn tắc đô thị Hà Nội: Đường vừa mở đã tắc cứng tứ bề - ảnh 1

Đường vành đai 2 trên cao tắc cứng hướng ra Ngã Tư Sở ngay trong ngày đầu thông xe ẢNH NGỌC THẮNG

Tốc độ mở đường không đuổi kịp tốc độ gia tăng dân số và phương tiện cá nhân, cộng ý thức giao thông hạn chế được xem là hai nguyên nhân lớn khiến việc bài toán giảm ùn tắc trở nên nan giải. Dân số Hà Nội đã tăng lên hơn 8 triệu người vào năm 2020, dự kiến lên tới 9 triệu người vào năm 2030. Mỗi giờ đồng hồ, Hà Nội có từ 25.000 – 50.000 lượt hành khách có nhu cầu di chuyển, chỉ tính riêng trong nội đô.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đã gia tăng, nếu như năm 2015, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,6% diện tích đất xây dựng đô thị, thì đến cuối năm 2019 đạt 9,7% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10%.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 7,6 triệu phương tiện các loại; trong đó có 740.000 xe ô tô, 5,8 triệu xe máy, 150.000 xe máy điện và hơn 1 triệu xe đạp điện, chưa kể các loại phương tiện ngoại tỉnh và vãng lai. Tốc độ tăng trưởng trung bình với ô tô các loại tăng khá cao, tương ứng 12,9%/năm; xe máy tăng trung bình 7,6%/năm, trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới tăng ở mức 0,3%/năm… Nếu so với tốc độ tăng phương tiện cá nhân trên 10%/năm, thì tốc độ tăng diện tích đất giao thông 0,3%/năm là thấp đến mức báo động.
Đây là lý do nhiều tuyến đường dù mới xây dựng đã phải gồng gánh lưu lượng phương tiện vượt xa thiết kế. Đơn cử như đường vành đai 3 trên cao hiện lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm (gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế); cầu Vĩnh Tuy trung bình 75.596 xe/ngày đêm (gấp 6,3 lần thiết kế); đường Tố Hữu vào các giờ cao điểm lưu lượng vượt khả năng thông hành từ 1,1 đến 1,4 lần…
Theo ông Viện, Hà Nội đang tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối.
Dù vậy, theo ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, không thể hy vọng giải quyết ùn tắc bằng mở rộng mạng lưới đường sá, nếu không có các giải pháp khống chế, quản lý phương tiện cá nhân.
“Mục tiêu lâu nay đặt ra vẫn là giảm ùn tắc, phát triển vận tải công cộng, nhưng thực tế cả Hà Nội, TP.HCM đều thiếu chương trình hành động để cụ thể hóa chủ trương, tầm nhìn cũng như huy động nguồn lực. Phải đẩy nhanh thực thi các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, không cần phải bàn nhiều như bây giờ vì các nước đi trước trên thế giới đã có quá nhiều bài học cho chúng ta áp dụng”, ông Tuấn nói.
MAI HÀ
TNO