23/01/2025

Lao động ‘tàng hình’

Lao động ‘tàng hình’

Nhiều lao động tự do tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.HCM) tự ví mình như những người ‘tàng hình’, bởi khi thành phố lên đèn và ngoài đường người đã dần thưa, lại là cao điểm mưu sinh nhọc nhằn của họ…
Lao động bốc xếp ngủ trên các xe kéo hàng /// PHẠM THU NGÂN
Lao động bốc xếp ngủ trên các xe kéo hàng PHẠM THU NGÂN

“Hệ sinh thái” đêm

Đêm càng tối, chợ đầu mối Thủ Đức càng sáng đèn. Chợ được xây dựng năm 2002, nằm ngay cửa ngõ phía đông, thuộc địa bàn P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, là một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM. Các ngành hàng như trái cây, rau củ, hoa tươi… được chuyên chở từ khắp các tỉnh về tập trung tại chợ rồi mới phân phối vào các chợ nhỏ lẻ ở TP.
Với hơn 1.300 ô vựa, lượng hàng hóa nhập vào chợ hơn 3.000 tấn/đêm. Theo một bảo vệ trong khu chợ, thời gian xe tải đến đổ hàng tùy nguồn ở địa phương. Ví dụ, khoảng 20 giờ đã có xe từ Vĩnh Long, Đồng Tháp vào xuống hàng. Năm nay, dịch Covid-19 kéo dài, các hoạt động trong chợ cũng bị ảnh hưởng. Mấy tháng qua, lượt người trong chợ đã giảm hơn 1/3 so với trước dịch.
Từ 22 giờ – 0 giờ và từ 1 giờ – 3 giờ sáng là khung “cao điểm” của người lao động. 23 giờ, đi đâu cũng thấy bị bao vây bởi xe cộ và đội ngũ lao động bốc xếp. Các xe kéo hàng hoạt động hết công suất, nhịp độ hối hả đôi khi làm tắc đường nội bộ. Các câu giao tiếp như “Mấy thùng cam rồi?”, “Nhanh lên chút!”, “Tránh ra, tránh ra”… mủn vụn đến mức khiến người ta nghĩ khu chợ chỉ có tiếng xe cộ, tiếng va chạm hàng hóa hay tiếng dán băng keo các thùng xốp… Thỉnh thoảng lắm mới nghe vài câu như “con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà” trong bài vọng cổ Hoa tím bằng lăng mà phu khuân vác nào đó bất ngờ cất lên.
Với hoạt động ngày nào cũng như ngày ấy, đội ngũ bảo vệ ở chợ đầu mối Thủ Đức có tới hàng trăm người, chia thành nhiều đội – tổ, thay nhau túc trực các ca, giờ nào bộ đàm cũng văng vẳng bên tai các bảo vệ. Đặc biệt, họ phải theo dõi sát sao tình hình phòng cháy chữa cháy, xem xét nguồn điện ở các ô vựa.
Trong khu chợ có diện tích hơn 20 ha này, khoảng từ 0 giờ sẽ thấy người người ngồi trên các thùng carton, các xe kéo hàng hoặc ngồi luôn dưới đường ăn tạm ổ bánh mì, nắm xôi mua từ các xe hàng rong. Một số người chạy xe tải thuê, mắc võng ngủ luôn trên xe. Nhưng nếu vào những ngày rằm, lễ… với hàng hóa nhiều, việc có thời gian ngồi ăn khuya hay ngủ nghỉ là chuyện hơi… xa xỉ.
Lao động 'tàng hình'1

Một bốc xếp trẻ kéo khối hàng trái cây trên trăm ký

Anh T.H.S (33 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang), tiểu thương kinh doanh khóm (thơm), kể về một đêm làm việc: “Tầm 20 giờ là xe giao hàng từ Long An đến, tôi sẽ lấy hàng xuống, trải ra bạt để phân loại. Tôi tranh thủ ăn được ít rồi bắt đầu gọt khóm tới 2 giờ. Gọt xong tôi mới xếp khóm vào từng bọc lớn, chuẩn bị giao cho khách. Số hàng còn lại tôi sẽ bán cho khách trong chợ từ sau 3 giờ, lúc này khách đi chợ cũng đông vui lắm”.

“Sắt đá cũng mòn…”

Chợ đầu mối Thủ Đức chủ yếu hoạt động ở dịch vụ quản lý chợ, xe nhập chợ, bốc xếp hàng hóa… Vì thế, đội ngũ lao động bốc xếp chiếm đa số, được chia thành nhiều tổ, dao động từ 20 – 40 người mỗi tổ.
19 giờ khởi động, chuẩn bị đồ nghề; 22 giờ vào “guồng” làm việc; 6 giờ sáng tan ca. Đó là thời gian biểu của những lao động bốc xếp ở chợ đầu mối Thủ Đức. Chỉ khi đến khoảng 0 giờ khuya, các lao động bốc xếp mới ngơi tay. Tầm giờ này, không khó chứng kiến cảnh các bốc xếp tận dụng những xe kéo hàng để “phơi” người nghỉ ngơi chốc lát. Nhiều người liên tục đứng xoa hai thái dương, bảo với nghề này, nếu khiêng hàng nhiều, đầu sẽ nặng như cối đá, hơi thở nặng nhọc, chân tay buốt cóng.
Lao động 'tàng hình'2

Bốc xếp những khối thùng xốp trong chợ đầu mối Thủ Đức

Ông Nguyễn Hồng An (55 tuổi, quê An Giang) ngồi nghỉ trong tiếng ồn ào của hàng hóa ngược xuôi. Vậy là đã qua hàng chục năm kể từ khi ông một mình khăn gói đến Sài Gòn tìm việc, làm bốc xếp tự do. Là lao động chuyển về chợ đầu mối Thủ Đức sau vụ chợ Cầu Ông Lãnh cháy (năm 1999), cứ hễ 19 giờ, ông An lại tất bật chuẩn bị, lấy xe kéo, trực ở chợ A. Trung bình một ngày kéo hàng khoảng trăm ký, được 5 – 6 triệu/tháng, ông An trích ra gửi về quê cho vợ mình tầm 2 triệu.
“Hai con gái của tôi lên Sài Gòn trọ được 2 – 3 năm nay. Đứa đầu đã có việc làm, phụ tôi gửi tiền cho đứa kế học. Tôi thường ăn ở quán cơm chay 10.000 đồng, ban đêm đi mần rồi về nhà ngủ nên phí sinh hoạt thường ngày cũng không bao nhiêu”, ông An chia sẻ. Đôi mắt đờ đẫn vì thức thâu đêm, ông An tiếp tục thở dài khi chúng tôi nhắc về ngày tết: “Tết tới được nghỉ ngơi vài hôm, thắp nén nhang cho tổ tiên, nhưng nghĩ đến cảnh thời buổi này không dễ kiếm được miếng cơm manh áo, lòng tôi lại như lửa đốt. Tôi biết mình không làm ra nhiều tiền nên chỉ tích cóp, có dư sẽ gửi con gái cho nó đỡ tủi”.
Ông Dũng (54 tuổi), một “tay” khuân vác tại chợ này cũng đã 18 năm, không ngần ngại gọi nghề của mình là “ngựa người”. Thở hổn hển sau chiếc khẩu trang nhàu nhĩ, ông xắn gấu quần lên, để lộ đôi bàn chân lấm lem sình lầy, bảo những phu khuân vác có độ tuổi như ông giờ rất ít. Hiện ông chỉ làm 8 – 9 ngày/tháng, làm đến 2 giờ sáng, chỉ khi hàng nhiều mới làm luôn đến 6 giờ. “Nhớ ngày xưa còn trẻ, kéo hàng trăm ký vẫn ào ào, nay lớn tuổi, không làm lại lớp trẻ. Người mà, đâu phải sắt đá, dù phải thì sắt đá cũng mòn, giờ tôi cũng đau nhức kinh lắm, nhưng cứ làm, bao nhiêu năm vẫn lo cho vợ con sống đàng hoàng”, ông Dũng cười.
Nhưng không chỉ có những phu khuân vác, ở chợ đầu mối, chúng tôi chứng kiến nhiều nữ bốc xếp kéo những thùng hàng nặng gần trăm ký. Cánh mày râu gọi họ là những “bông hồng thép”…
(còn tiếp)

Hơn 1.000 lao động bốc xếp

Ông Nguyễn Thành Dũng, Phó giám đốc Bộ phận quản lý bốc xếp chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết trong chợ hiếm nghe tên “cửu vạn”, mà mọi người chỉ hay quen gọi là “bốc xếp”. Chợ có hơn 1.000 lao động bốc xếp, đại đa số quê ở các tỉnh ĐBSCL. “Thời gian làm thâu đêm, công việc thao tác thủ công có thể ảnh hưởng sức khỏe của lao động bốc xếp về lâu dài, chưa kể công việc của bốc xếp tự do mang tính thời vụ, chủ yếu phụ thuộc nguồn hàng, nhu cầu khách hàng nên thu nhập chưa ổn định, bấp bênh. Chỉ những ngày rằm, lễ, tết, lượng hàng dồi dào, bốc xếp mới có nhiều công việc để làm. Công việc này đặc thù nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe…”, ông Dũng cho hay.
PHẠM THU NGÂN- SONG MAI
TNO