Argentina thông qua ‘dự luật lịch sử’, hợp pháp hóa phá thai
Argentina thông qua ‘dự luật lịch sử’, hợp pháp hoá phá thai
‘Tôi rất xúc động. Không từ nào có thể diễn tả được cảm giác sau khi chiến đấu vì điều gì đó rất lâu’ – cô Melany Marcati chia sẻ khi Argentina trở thành quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latin hợp pháp hoá việc phá thai.
Ngày 29-12, đám đông gồm các nhà hoạt động ủng hộ phá thai và cả phản đối phá thai đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Argentina để chờ kết quả bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu được công bố vào rạng sáng (giờ địa phương) sau cuộc tranh luận qua đêm tại đây.
Và Argentina đã trở thành quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latin hợp pháp hóa việc phá thai sau khi Thượng viện nước này thông qua dự luật về phá thai với 38 phiếu thuận và 29 phiếu chống, theo báo Guardian. Dự luật này đã được Hạ viện Argentina thông qua đầu tháng này và nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Alberto Fernández của Argentina.
Báo New York Times (Mỹ) gọi đây là một “cột mốc quan trọng” trong khu vực. Báo Guardian (Anh) gọi đây là “khoảnh khắc bước ngoặt đối với quyền của phụ nữ”. Còn Đài CNN (Mỹ) gọi dự luật vừa được thông qua là “dự luật lịch sử”.
Dự luật được thông qua sẽ hợp pháp hóa việc phá thai trong mọi trường hợp khi thai nhi đã được tới 14 tuần. Trước đây, phụ nữ Argentina chỉ được phá thai trong các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, chẳng hạn do bị tấn công tình dục hoặc chịu các nguy cơ liên quan sức khỏe. Trong tất cả các trường hợp khác, phá thai là bất hợp pháp và có thể bị phạt tới 15 năm tù.
Theo Trung tâm về quyền sinh sản (CRR), trên khắp khu vực Mỹ Latin và Caribe, chỉ có Cuba, Uruguay, Guiana (thuộc Pháp) và Guyana cho phép phá thai theo lựa chọn. Tại thủ đô và bang Oaxaca của Mexico, dịch vụ phá thai cũng được cung cấp theo yêu cầu, nhưng bị hạn chế nghiêm ngặt ở những nơi còn lại của nước này.
Ngược lại, El Salvador, Cộng hòa Dominica, Haiti, Honduras, Nicaragua và Suriname cấm phá thai trong hầu hết mọi trường hợp. Colombia, Costa Rica, Guatemala và Panama chỉ cho phép phá thai nếu điều đó nhằm đảm bảo sức khỏe và bảo vệ mạng sống của người phụ nữ.