23/12/2024

‘Soi’ lợi nhuận ngân hàng

‘Soi’ lợi nhuận ngân hàng

Lợi nhuận của các nhà băng năm 2020 vẫn tăng cao, bất chấp Covid-19.
Nhiều ngân hàng tăng trưởng lãi ròng năm nay rất cao, bất chấp Covid-19 /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Nhiều ngân hàng tăng trưởng lãi ròng năm nay rất cao, bất chấp Covid-19   ẢNH: NGỌC THẮNG
Chuẩn bị bước sang năm mới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận kếch xù mà cần chia sẻ với người dân, cộng đồng doanh nghiệp, giảm lãi suất.

Lãi ròng tăng cao

Bà Kim (Q.7, TP.HCM) cho hay chỉ cách đây vài ngày, bà đáo hạn sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại một ngân hàng (NH) thương mại ở TP.HCM thì lãi suất (LS) đã giảm mạnh, chỉ còn 6%/năm so với mức 7,2%/năm như 6 tháng trước. Trong khi đó, LS cho vay thì vẫn được thông báo là lấy LS kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 3,5%, tương đương khoảng 9,9%/năm.
Biên lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng cho thấy hầu như các nhà băng chưa thật sự chia sẻ khó khăn với nền kinh tế trong năm đại dịch Covid-19
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Thông tin từ NH Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy mặt bằng LS tiền gửi của các NH tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện LS tiền gửi phổ biến ở mức từ 3,2 – 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0 – 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 – 6,8%/năm. Còn LS cho vay bình quân của các NH ngắn hạn từ 3,7 – 6%/năm và trung dài hạn từ 9 – 11%/năm. Nếu so sánh với mức LS huy động kỳ hạn dài cao nhất hiện nay là 6,8%/năm với LS cho vay dài hạn 11%/năm thì chênh lệch cho vay vẫn ở mức cao, lên 4,2%/năm.
Thế nên, dù mặt bằng LS sụt giảm liên tục nhưng nhiều NH trong năm 2020 vẫn đạt lợi nhuận khá cao. Cụ thể, theo báo cáo tài chính đến hết quý 3/2020, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 10.711,4 tỉ đồng, tăng thêm 1.851,2 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng gần 21%; NH TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt lợi nhuận trước thuế 2.404 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước; VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 9.397,5 tỉ đồng, tăng 30,5% hay ACB cũng đạt lợi nhuận trước thuế 6.411 tỉ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước…
Còn theo báo cáo thống kê về tình hình kinh doanh quý 3/2020 và 3 quý năm 2020 của 21 NH niêm yết do Công ty FiinGroup thực hiện, khối NH vẫn ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt trong quý 3/2020 với tổng thu nhập hoạt động tăng 10,8% và lợi nhuận sau thuế tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 9,4%, hoạt động dịch vụ tăng 31,4% và các hoạt động còn lại bao gồm: mua bán ngoại tệ, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn/mua cổ phần… tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lãi ròng (NIM) của 21 NH niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý 2/2020 lên 0,89%.
Việc tăng trưởng NIM và thu nhập lãi thuần phần lớn đến từ cho vay khách hàng. Đó là LS huy động của các NH giảm nhưng thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5%, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Trong khi đó, các NH vẫn duy trì LS cho vay bình quân ở mức cao trong quý 3 vừa qua, lên 9,2%/năm từ mức 9%/năm của giữa năm 2020. Điều này đưa lợi nhuận sau thuế của các NH niêm yết được dự báo cả năm 2020 tăng 10,2% so với năm trước.

Các “ông lớn” phải làm gương

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định việc biên lợi nhuận của nhiều NH vẫn tăng cho thấy hầu như các nhà băng chưa thật sự chia sẻ khó khăn với nền kinh tế trong năm đại dịch Covid-19.
Việc NHNN đã giảm mạnh các LS điều hành và hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống NH là tạo ra một lượng tiền có chi phí thấp trên thị trường tiền tệ. Từ đó các NH có thể đưa vào cho vay trong nền kinh tế hoặc thậm chí dùng để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… Như vậy bản thân các NH là đơn vị hưởng lợi đầu tiên từ hỗ trợ của NHNN. Dư địa để giảm LS cho vay vẫn còn mà không cần kéo giảm LS huy động tiền gửi của người dân. Cụ thể, hiện nay NIM của nhiều NH vẫn trên 3%, nếu kéo giảm xuống khoảng 1% thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế có được nguồn vốn rẻ để đưa vào sản xuất kinh doanh.
“Bản thân NHNN đang nắm cổ phần chi phối tại 4 NH thương mại quốc doanh gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và Công thương nên cần phải làm gương. Khi lập kế hoạch kinh doanh cho năm mới 2021, cổ đông lớn này phải ra kế hoạch là không chạy theo lợi nhuận mà phải thực hiện vai trò hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong đó phải kéo giảm mạnh LS cho vay. Từ đó sẽ kéo mặt bằng LS cho vay trên thị trường giảm xuống vì 4 NH thương mại quốc doanh chiếm thị phần lớn trên thị trường tài chính Việt Nam”, ông Chí nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, phân tích NH lợi nhuận từ ngàn đến chục ngàn tỉ đồng, con số khá lớn nhưng nếu tính tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thì không cao. Đây cũng là đặc thù chung của ngành NH từ trước đến nay. Nhưng trong tình hình hiện nay, các NH vẫn nên giảm lợi nhuận để tạo điều kiện giảm LS cho vay.
Để có nguồn vốn lớn giá rẻ hỗ trợ NH giảm LS, ngoài sự hỗ trợ từ NHNN, Bộ Tài chính cần xem xét lại chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu. Mỗi năm, hệ thống NH tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng với chính sách đánh thuế thu nhập cá nhân đối với hình thức này, các cổ đông sẽ chỉ muốn nhận tiền mặt. Việc tăng vốn của các NH, đặc biệt là NH thương mại cổ phần quốc doanh, có ý nghĩa quan trọng. Nó là nguồn vốn rẻ giúp cho các nhà băng tăng cường tiềm lực tài chính. Những NH có tiềm lực tài chính dồi dào có đủ điều kiện để giảm mặt bằng LS xuống.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam
MAI PHƯO7NG – THANH XUÂN
TNO