23/12/2024

Ông Trump ký luật trừng phạt Bắc Kinh nếu tự chọn người kế vị Dalai Lama

Ông Trump ký luật trừng phạt Bắc Kinh nếu tự chọn người kế vị Dalai Lama

Tổng thống Trump đã đặt bút phê chuẩn 2 đạo luật tăng cường quan hệ với Đài Loan và Tây Tạng. Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng phản đối động thái của Mỹ, nhấn mạnh Tây Tạng và Đài Loan là “vấn đề nội bộ” của nước này.

 

Ông Trump ký luật trừng phạt Bắc Kinh nếu tự chọn người kế vị Dalai Lama - Ảnh 1.

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tuần tra tại Tây Tạng. Cũng giống như Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh khẳng định khu tự trị Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc – Ảnh: REUTERS

Hai dự luật “con” này được các nghị sĩ đưa vào dự luật “mẹ” là dự luật chi tiêu chính phủ và hỗ trợ chống COVID-19. Tổng thống Trump đã ký thông qua đạo luật này hôm 28-12 sau nhiều ngày đe dọa phủ quyết để tránh chính phủ đóng cửa.

Đạo luật chính sách và hỗ trợ Tây Tạng (TPSA) được công bố lần đầu tiên ngày 21-12. Trong đó, các nghị sĩ yêu cầu chính phủ Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc lựa chọn người kế vị Dalai Lama thứ 14, người năm nay đã 85 tuổi.

Đạo luật Bảo đảm Đài Loan (TAA) nhắm tới việc tăng cường quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, bao gồm “bình thường hóa” việc bán vũ khí cho hòn đảo này.

Cả hai đạo luật đều vấp phải sự phản đối của Trung Quốc đúng như giới quan sát đã dự báo. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, cảnh báo quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục xấu đi vì hai đạo luật trên.

“Mỹ không nên áp dụng bất kỳ đạo luật hay điều khoản nào nhắm vào Trung Quốc. Chúng tôi cương quyết phản đối cả hai đạo luật. Đài Loan và Tây Tạng là những vấn đề nội bộ, thuộc về toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Triệu nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 28-12.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), có hai nội dung chính trong đạo luật Tây Tạng. Thứ nhất, các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu chính phủ phải trừng phạt các quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc lựa chọn người kế vị Dalai Lama thứ 14.

Thứ hai, chính phủ Mỹ không được cho Trung Quốc mở thêm tổng lãnh sự quán cho tới khi Bắc Kinh đồng ý cho Mỹ mở tổng lãnh sự quán ở Tây Tạng. Hiện Trung Quốc vẫn chưa phản ứng trước các động thái mới của Mỹ.

Bắc Kinh đã đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô để trả đũa việc Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hồi tháng 7-2020.

Trong khi đó, vấn đề kế nhiệm Dalai Lama thứ 14 đang thu hút sự chú ý trở lại trong thời gian gần đây. Theo SCMP, chính quyền Bắc Kinh không thừa nhận Dalai Lama hiện tại là lãnh đạo của Tây Tạng đồng thời khẳng định khu tự trị này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng để ngỏ khả năng sẽ tự chọn một người để tuyên xưng là Dalai Lama giống như đã từng làm với Ban thiền Lạt ma, người giữ vị trí lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng. Dalai Lama thứ 14 hiện đang sống lưu vong tại nước ngoài sau biến cố năm 1959 ở Tây Tạng.

BẢO DUY
TTO