26/01/2025

Covid-19 đã ‘lấy’ của Việt Nam 19 tỉ USD xuất khẩu

Covid-19 đã ‘lấy’ của Việt Nam 19 tỉ USD xuất khẩu

Bộ trưởng Công thương cho biết, năm nay có nhiều điều kiện, cơ sở thuận lợi để Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỉ USD, nhưng dịch Covid-19 đã khiến con số này chỉ dừng ở mức 281 tỉ USD, “hụt” mất 19 tỉ USD.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh /// Ảnh Quang Hiếu
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh  ẢNH QUANG HIẾU
Phát biểu tại ngày làm việc thứ 2 của cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương sáng nay, 29.12, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, nếu không có Covid-19 thì xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hoàn thành kế hoạch 300 tỉ USD chứ không chỉ là 281 tỉ USD.
Cụ thể, ông Tuấn Anh cho hay, năm nay chúng ta dự kiến kim ngạch xuất khẩu là 300 tỉ USD, trong điều kiện không có dịch bệnh (Covid-19). Và mặc dù không chủ quan, luôn bám sát tình hình để ứng phó kịp thời, vì chỉ cần lơ là lập tức sẽ gây hậu quả rất lớn cho kinh tế và xã hội, dịch bệnh đã kéo lùi sự phát triển của xã hội nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn.
“Nếu không xảy ra dịch bệnh, chúng ta có những điều kiện, cơ sở rất thuận lợi để đạt được yêu cầu xuất khẩu. Ví dụ, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương đã chủ động trong việc thực hiện Hiệp định EVFTA. Hàng loạt vấn đề liên quan đến tổ chức thực thi, khai thác thị trường châu Âu đã được hướng dẫn nhanh nhạy, nhờ đó, thương mại với EU đạt tốc độ tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm cao nhất từ trước đến nay”, tư lệnh ngành công thương nói.
Đối với những nhiệm vụ trong năm 2021, ông Tuấn Anh cho rằng trước tiên cần tiếp tục phát triển thị trường bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Theo đó, nên tổ chức thực hiện những chương trình hành động mà Chính phủ đã ban hành, từ tuyên truyền phổ biến pháp luật đến việc tái cơ cấu tổ chức lại các ngành hàng, thị trường dịch vụ nội địa…
Thứ hai, tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các quy định về pháp luật. “Nếu tổ chức tốt việc thực thi pháp luật thì sẽ khai thác rất hiệu quả các hiệp định thương mại tự do”, ông Tuấn Anh nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, cho biết ngành dệt may Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất. Đây có thể nói là nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho dệt may Việt Nam có mức giảm thấp nhất trong xuất khẩu, xét về mặt hàng quần áo.
Ông Trường cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất trong ngành dệt may thì lợi nhuận thời trang toàn cầu giảm 93%, hơn 10 chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản, khoảng 200.000 lao động trong chuỗi cung ứng thời trang của Mỹ đã mất việc làm.
“Trong khi đó, nhờ không bị giản đoạn sản xuất nên thị phần hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt tăng trưởng 20% tại thị trường Mỹ”, ông nói.
Tuy nhiên, về tổng thể, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may vẫn giảm hơn 10%, lợi nhuận giảm 15%. Năm 2021, ông Trường cho hay, ngành dệt may đặt kế hoạch bằng 2020, với giá trị xuất khẩu cao nhất 39 tỉ USD.
CHÍ HIẾU
TNO