25/01/2025

Nỗi lo mắc kẹt điện mặt trời mái nhà

Nỗi lo mắc kẹt điện mặt trời mái nhà

Đang có một cuộc đua nước rút của các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà khi ngày 31.12.2020, giá khuyến khích cho điện mặt trời áp mái sẽ hết hạn, trong khi chính sách mới còn đang chưa rõ hình hài. 
Những ngày cuối năm, mỗi ngày đang có cả nghìn dự án điện mặt trời mái nhà được nghiệm thu /// Ảnh Chí Hiếu
Những ngày cuối năm, mỗi ngày đang có cả nghìn dự án điện mặt trời mái nhà được nghiệm thu  ẢNH CHÍ HIẾU

Mỗi ngày cả nghìn dự án nối lưới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông báo sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phát triển sau ngày 31.12.2020, cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền. Lý do là bởi Quyết định số 13 ngày 6.4.2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực sau ngày 31.12 và đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công thương. Đối với các công trình ĐMTMN phát triển sau ngày này, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới của Thủ tướng.
Điều này đã khiến những ngày cuối năm trở thành một cuộc đua chạy nước rút của các dự án ĐMTMN nhằm nghiệm thu, đấu nối nối trước ngày 1.1.2021 để đủ điều kiện hưởng giá FIT (giá ưu đãi, khuyến khích) ở mức 8,38 UScent/kWh trong 20 năm (tương đương 1.943 đồng/kWh).
Ngày 26.12, trên diễn đàn Năng lượng tái tạo Việt Nam, anh Phương Nam, một nhà cung cấp thiết bị ĐMT đã đưa ra con số khiến nhiều thành viên không khỏi giật mình: “Mỗi ngày có khoảng 200 MW ĐMTMN hoà lưới. Chắc hết 31.12 thì công suất ĐMTMN sẽ vượt con số 5.000MW”.
Theo số liệu cập nhật của EVN, đến ngày 25.12.2020, cả nước đã có 83.000 công trình ĐMTMN được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất là 4.700 MW. Thế nhưng đến ngày 27.12, tổng số dự án lắp đặt đã tăng lên 85.260 công trình với tổng công suất lắp đặt lên tương ứng đạt 5.137 MW.
Cần phải nhắc lại rằng, vào tháng 7.2019, khi Bộ Công thương ban hành quyết định phê duyệt chương trình phát triển ĐMTMN tại VN giai đoạn 2019 – 2025 thì mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, cả nước có 100.000 hệ thống ĐMT mái nhà được lắp đặt và vận hành, tương đương 1.000 MWp. Khi ấy, số liệu của Bộ cho thấy cả nước mới có khoảng 4.000 khách hàng lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất vỏn vẹn 45 MW.
Điển hình như tại tỉnh Bình Định, ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết, để gấp rút nghiệm thu, đóng điện và ký hợp đồng mua bán điện cho các hộ lắp ĐMTMN, công ty phải tăng cường cán bộ nhân viên làm việc xuyên suốt, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần để đảm bảo nghiệm thu, đóng điện kịp ngày 31.12. Năm 2020, Công ty Điện lực Bình Định đề ra kế hoạch phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 15 MW. Vậy nhưng, số lượng dự án điện mặt trời mái nhà ở tỉnh này đã tăng đột biến, tổng công suất lên lưới đã 98 MWp, vượt kế hoạch gần hơn 6 lần. “Không chỉ tại Bình Định mà mấy anh em các tỉnh khác cũng bảo vậy, đang chạy đua làm sao giúp ngời dân kịp nghiệm thu trong 2 ngày tới”, ông Việt nói thêm.
Nỗi lo mắc kẹt điện mặt trời mái nhà - ảnh 1

Điện mặt trời chờ giá mới  ẢNH Y NGUYÊN

Có thể vẫn  nối sau 31.12.2020

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư mà trong đó có nhiều nhà dân cũng nhanh chân “nhảy” kịp. Không ít doanh nghiệp cung ứng thiết bị, lắp đặt hệ thống điện mặt trời lẫn hộ dân đang đứng ngồi không yên khi chính sách giá FIT cho điện mặt trời áp mái hết hiệu lực, trong khi chưa có hướng dẫn mới.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nhữ Văn Hoan, Phó tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Sơn Hà – doanh nghiệp lớn với sản phẩm FreeSolar cho biết trong 2 ngày qua, ông liên tiếp nhận được cuộc gọi các đại lý phân phối hỏi cách tư vấn cho khách vì rất nhiều hộ đang lắp đặt điện mặt trời có tiến độ sẽ trễ mốc 31.12.2020. “Nhiều hộ dân nói sẵn sàng chấp nhận chính sách giá mới thấp hơn mức 1.943 đồng/kWh đang áp dụng, nhưng nếu không được nối lưới và tạm ghi nhận sản lượng thì sẽ rất lãng phí với người dân”, ông Hoan kể và lo ngại, điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội vào một chính sách rất tốt đang bước vào giai đoạn tăng tốc là kêu gọi người dân lắp điện mặt trời mái nhà, vừa bổ sung thêm nguồn điện trên cơ sở tận dụng hạ tầng, mái sẵn có mà không phải đầu tư thêm lưới truyền tải.
“Bản thân chúng tôi cũng rất lo chính sách bị đứt quãng. Nhiều doanh nghiệp như chúng tôi mong muốn sớm có chính sách giá mới, có thể sẽ không cao như giá cũ hoặc Nhà nước có nên tính toán nhiều mức giá theo các vùng miền, như từng áp dụng với điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi”, ông Hoan đề xuất.
Trong khi đó, một chuyên gia về năng lượng tái tạo cho rằng, ngành điện ngừng mua là đúng song nếu người dân không được đấu nối, không được ghi nhận số điện để sau này tính tiền với giá mới mà Chính phủ quy định thì chẳng khác nào một “cú phanh gấp”. “Nếu Chính phủ, ngành công thương không ban hành chính sách mới kịp, thì nên gia hạn chính sách giá FIT vài tháng, hoặc nếu không cũng sớm có hướng dẫn để EVN được ghi nhận số điện, sau đó có giá mới thì đối trừ, trả tiền cũng chưa muộn”, ông nói.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua (27.12), ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cơ quan này cũng đang cân nhắc báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương xin phép Thủ tướng trước mắt để EVN vẫn đấu nối, ghi nhận số điện phát lên lưới cho các dự án vào sau 31.12. “Cùng với đó, chúng tôi cũng đang gấp rút phối hợp với tư vấn cả trong nước lẫn quốc tế để tính toán giá FIT mới cho ĐMTMN, vì ĐMTMN thì không thể đấu thầu như các dự án điện mặt trời khác mà Bộ đang đề xuất”, ông Dũng thông tin.
Một lãnh đạo EVN cũng cho biết, trước đây, khi chờ chính sách giá FIT ra đời, Bộ Công thương có hướng dẫn ngành điện ghi nhận số liệu rồi đối chiếu, tính toán sau. Tuy nhiên lần này chưa có hướng dẫn nên EVN phải thông bán tạm dừng ghi nhận điện năng phát lên lưới lẫn đấu nối.
CHÍ HIẾU
TNO