24/01/2025

‘Lương duyên’ quân sự Nga – Trung Quốc

‘Lương duyên’ quân sự Nga – Trung Quốc

Gần đây, Nga và Trung Quốc liên tục tăng cường quan hệ quân sự, như hợp tác về tên lửa đạn đạo, tập trận chung không quân quy mô lớn… Liệu mối “lương duyên” này sẽ thế nào và liệu có bền lâu?
Hai binh sĩ Nga - Trung ôm xã giao trong một cuộc tập trận chung /// Ảnh: Tân Hoa Xã
Hai binh sĩ Nga – Trung ôm xã giao trong một cuộc tập trận chung ẢNH: TÂN HOA XÃ
Tuần qua, Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập chung không quân quy mô lớn gây nhiều chú ý.

Liên tục đẩy mạnh hợp tác quân sự

Cụ thể, ngày 22.12, Trung Quốc đã điều động 4 oanh tạc cơ chiến lược H-6K, thuộc dòng H-6, tập trận cùng 15 máy bay của Nga để tập trận chung, bay qua một số vùng biển ở khu vực Đông Bắc Á. Về phía Nga, số máy bay trên bao gồm 2 oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 được hộ tống bởi một số máy bay chiến đấu, kèm theo đó còn có sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm, trinh sát trên không.

Quân đội Nga sở hữu máy bay tiêm kích Su-57 đầu tiên

“Lương duyên” quân sự Nga - Trung Quốc

Máy bay tiêm kích Su-57 của Nga  ẢNH: TASS

 

Đài RT (Nga) ngày 27.12 đưa tin nhà sản xuất máy bay Sukhoi đã bàn giao cho quân đội Nga máy bay tiêm kích Su-57 đầu tiên. Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có khả năng tác chiến đa nhiệm, Su-57 tích hợp nhiều loại vũ khí đặt bên trong thân máy bay và lớp phủ hấp thụ radar (công nghệ tàng hình) cùng thiết bị tiên tiến khác. RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết đến cuối năm 2024 sẽ có tổng cộng 22 chiếc Su-57 được bàn giao. Theo hợp đồng được ký kết năm 2019, Sukhoi sẽ bàn giao tổng cộng 76 chiếc Su-57 vào cuối năm 2028. Trước đó, một số máy bay Su-57 đã được xuất xưởng nhưng chỉ phục vụ mục đích thử nghiệm. Hồi năm 2019, một chiếc Su-57 bị rơi trong cuộc thử nghiệm.
Phúc Duy

Vụ tập trận đã gây nên các phản ứng từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, cho rằng các máy bay Nga và Trung Quốc đã vi phạm vùng nhận diện phòng không, cả Nhật lẫn Hàn Quốc đều đã điều động chiến đấu cơ xuất kích ngăn chặn các máy bay của Nga, Trung Quốc. Đây là lần thứ hai Moscow và Bắc Kinh tổ chức tuần tra chung chiến lược ở Thái Bình Dương. So với lần thứ nhất diễn ra vào tháng 7.2019 với chỉ tổng cộng 6 máy bay tham gia, cuộc tuần tra chung chiến lược mới đây đã tăng cường đáng kể cả về quy mô lẫn mức độ.

Không chỉ có cuộc tập trận chung trên, ngày 15.12 truyền thông Nga và Trung Quốc đưa tin hai nước tiếp tục đạt được thỏa thuận thêm 10 năm về việc thông báo cho nhau các vụ bắn tên lửa đạn đạo. Đây được xem là thỏa thuận nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng hơn nữa, thể hiện sự “tin tưởng” lẫn nhau.
Ngoài ra, theo tờ Hoàn Cầu thời báo, binh sĩ Trung Quốc cũng đã tham dự cuộc tập trận chung chiến lược mang tên Kavkaz 2020 diễn ra hồi giữa tháng 9.2020. Đại diện quân đội Trung Quốc cũng có mặt ở buổi diễu binh Ngày chiến thắng tại Quảng trường Đỏ của Nga vào ngày 24.6.2020.

Động lực hợp tác

Trả lời Thanh Niên ngày 27.12, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: “Các cuộc tập trận, tuần tra chung của Moscow và Bắc Kinh ở Thái Bình Dương có thể sẽ trở thành thông lệ. Mỗi khi tuần tra qua eo biển Tsushima (nằm gần Nhật Bản và ở vùng biển giữa Nhật với Hàn Quốc), Nga có thể sẽ phối hợp với Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính bị hạn chế nên Moscow có thể sẽ chỉ giới hạn hoạt động này diễn ra không quá 3 lần mỗi năm. Đó là chưa kể các máy bay của Nga đã rất cũ, thiếu phụ tùng để bảo trì bảo dưỡng thường xuyên”.
Cựu đại tá Schuster chỉ ra rằng cả hai đều chia sẻ lợi ích lớn từ các cuộc tập trận chung. “Các cuộc tuần tra chung của hai nước mang thông điệp cả về quân sự lẫn chính trị, thể hiện quan hệ hợp tác sâu sắc. Đối với Bắc Kinh, hoạt động tuần tra chung như trên giúp thể hiện vị thế chiến lược ở vùng Đông Bắc Á. Đối với Moscow, các cuộc huấn luyện như vậy giúp các đơn vị không quân ở khu vực Viễn Đông của Nga có cơ hội thực tập thường xuyên”, ông Schuster nói.
Cũng chỉ ra động lực hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Đối với Bắc Kinh, Moscow vẫn là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng hiện đại quan trọng. Ngay cả khi Trung Quốc đã nội địa hóa nhiều loại vũ khí thì vẫn chưa thể theo kịp Nga về máy bay chiến đấu và tàu ngầm. Đồng thời Nga cũng là nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho Trung Quốc”.
“Ngược lại, trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt kinh tế liên quan các vấn đề như bán đảo Crimea, miền đông Ukraine…, Nga cần hợp tác với Trung Quốc để tránh bị cô lập. Bên cạnh đó, Moscow cũng cần Bắc Kinh nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên, cụ thể là nhiên liệu như dầu khí và khí đốt”, TS Nagao nhận xét.

Biết có bền lâu ?

Qua đó, ông Nagao cho rằng quan hệ quân sự Nga – Trung sẽ còn được thắt chặt trong thời gian tới. “Vào tháng 10.2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đặt vấn đề rằng hiện tại chưa cần một liên minh quân sự Nga – Trung, nhưng điều đó có thể thành hiện thực trong tương lai. Nếu liên minh đó thành hiện thực thì có thể trở thành diễn biến đe dọa đối với Mỹ cùng các đồng minh”, TS Nagao nhận xét.
Trong khi đó, cựu đại tá Schuster nhận xét: “Xét trong bối cảnh ở Thái Bình Dương hiện nay, Nga rõ ràng bị giảm sút vai trò và nằm “kèo dưới” so với Trung Quốc. Các đối tác cũ mà Moscow từng có ảnh hưởng lớn, thì giờ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ Bắc Kinh. Ví dụ như Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên”.
“Mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc được xây dựng gần như hoàn toàn từ lợi ích chung, khi cả hai đều muốn chống lại ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Nhưng về lâu dài, một khi Moscow nhận thấy Bắc Kinh là mối đe dọa lớn hơn cả Washington, thì mối quan hệ Nga – Trung sẽ nhanh chóng tan rã. Tuy nhiên, chính sách của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, đối với khu vực Trung Á và Nam Á đang khiến vị thế của Nga tại hai khu vực này bị xói mòn. Trong khi đó, cả Trung Á lẫn Nam Á đều được xem là đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia của Nga”, ông Schuster nhận xét và cho rằng cần thêm thời gian để biết được thực tế “lương duyên” quân sự Nga – Trung sẽ kéo dài thế nào, có bền lâu hay không.
NGÔ MINH TRÍ
TNO