24/12/2024

‘Hô biến’ mùi hôi phân bò, bác sĩ thú y thành tỉ phú

‘Hô biến’ mùi hôi phân bò, bác sĩ thú y thành tỉ phú

Bước vào khu chứa phân thành phẩm chờ công nhân đóng bao, bác sĩ thú y Nguyễn Văn Thảo dùng tay bốc một vốc phân lớn đưa lên mũi ngửi để chứng minh phân hữu cơ làm từ phân bò tươi đã được khử sạch mùi hôi.
Anh Nguyễn Văn Thảo chứng minh phân hữu cơ 100% nguyên liệu từ phân bò đã được khử sạch mùi hôi /// Ảnh P.Hậu
Anh Nguyễn Văn Thảo chứng minh phân hữu cơ 100% nguyên liệu từ phân bò đã được khử sạch mùi hôi ẢNH P.HẬU

Bỏ nghề bác sĩ thú y đi “hứng phân bò”

Anh Nguyễn Văn Thảo (34 tuổi), Giám đốc HTX môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng (xã Vĩnh Thịnh, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp và là bác sĩ thú y nổi tiếng ở địa phương.
Gần 10 năm trong nghề, anh Thảo gây dựng mạng lưới hộ chăn nuôi quy mô lớn, là “kênh” bán thuốc, thức ăn chăn nuôi được nhiều doanh nghiệp săn đón, mời cộng tác. Năm 2016, công việc đang ở thời kỳ phát triển nhất, anh Thảo khiến nhiều người sửng sốt khi bỏ nghề bác sĩ thú y để đi “hứng phân bò”.
“Đúng nghĩa phải gọi như thế, ở mỗi hộ chăn nuôi, tôi đều có đặt các thùng chứa hứng phân khi dọn chuồng. Mỗi ngày 2 lần, công nhân lái xe đi thu gom phân về sản xuất”, anh Thảo hóm hỉnh kể về cú rẽ ngang khiến không ít người bỉ bôi.
Anh Thảo khởi nghiệp một nghề mới xuất phát từ vấn nạn ô nhiễm môi trường tại địa phương. Mùi phân bò là nỗi ám ảnh, xã Vĩnh Thịnh có đàn bò sữa ước tính gần 10.000 con, lượng phân thải trung bình mỗi ngày trên 200 tấn. Phân bò được các hộ chăn nuôi đổ ra đồng trồng cỏ nhưng khối lượng quá lớn, cỏ không hấp thụ hết. Phân bò cứ thế bị xả ra môi trường, chảy chung vào cống thoát nước sinh hoạt xộc mùi xú uế.
Để giải quyết ô nhiễm môi trường, các cấp chính quyền hỗ trợ hộ chăn nuôi làm hầm biogas, đầu tư máy ép phân… nhưng mọi giải pháp đều bế tắc vì chỉ xử lý được một phần rất nhỏ so với lượng phân quá lớn thải ra hàng ngày.
'Hô biến' mùi hôi phân bò, bác sĩ thú y thành tỉ phú - ảnh 1

Nghề chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập cao cho người dân xã Vĩnh Thịnh (H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nhưng tạo ra áp lực ô nhiễm môi trường  ẢNH P.HẬU

Năm 2017 đánh dấu mốc HTX môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng bắt đầu cung cấp sản phẩm phân hữu cơ ra thị trường. Nhưng trước đó, anh Thảo đã đành ra 3 – 4 năm dày công nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện quy trình xử lý khử mùi hôi phân bò. Anh Thảo cho biết, trước đây phân bò được xử lý bằng quy trình ủ phân yếm khí. Dùng bạt lót dưới, đưa phân vào ủ vi sinh và trùm kín. Nhưng để đến 6 tháng, phân chỉ khô trên bề mặt khoảng 5 – 10 cm, bên dưới là ướt nhoẹt.
Qua nghiên cứu tài liệu khoa học và thử nghiệm, anh Thảo áp dụng quy trình xử lý hiếu khí, chủ yếu là đưa ô xy sục sâu vào sâu bên trong đống ủ thì phân hoai mục rất nhanh, nhiệt độ bên trong đống ủ có thể đạt từ 62 độ C – 82 độ C. Ở nhiệt độ này, phân bò gần như biến mất mùi hôi, các mầm bệnh, vi sinh vật có thể gây hại cho cây trồng đều được loại bỏ.

Đổi phân lấy tri thức, kỹ thuật chăn nuôi

Các hộ chăn nuôi bò sữa chẳng lạ gì các khoá học tập huấn với nhiều nhà khoa học đến hướng dẫn cách xử lý chất thải từ đàn bò nhưng kết quả cuối cùng thì “chẳng đâu vào đâu”. Còn với mô hình của anh Thảo, người dân thấy hiệu quả ngay tức thì.
Theo ông Trần Văn Nhân, Trưởng thôn An Lão Xuôi (xã Vĩnh Thịnh), đàn bò sữa trong thôn có khoảng 500 con, mỗi ngày thải ra gần 300 kg phân. Trước đây, ngày nào hộ chăn nuôi cũng phải tốn nhiều công sức vận chuyển đổ ra đồng ruộng thì nay xe của HTX đến đầu ngõ thu gom, vài ngày mới đưa ra đồng một lần, giảm nhiều công lao động. “Thích nhất là dễ thở hơn nhiều khi không còn mùi hôi hám, xú uế nồng nặc như trước đây nữa”, ông Nhân nói.
HTX môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng có công suất trên 10 tấn phân hữu cơ/ngày, và phải thu gom xử lý hơn 50 tấn phân tươi. Nhưng trong 3 năm hoạt động, anh Thảo chưa tốn một đồng tiền thu mua nguyên liệu dù hợp tác xã có doanh thu cả tỉ đồng. Đổi lại, ở mỗi hộ liên kết, anh Thảo hỗ trợ thùng chứa đựng phân và chế phẩm vi sinh xử lý môi trường chuồng nuôi. Vốn có nghề bác sĩ thú y, anh Thảo trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cách phòng, trị bệnh dịch ở đàn bò sữa.
'Hô biến' mùi hôi phân bò, bác sĩ thú y thành tỉ phú - ảnh 2

Các lao động làm việc tại xưởng sản xuất phân hữu cơ có thu nhập cao, từ 8 – 10 triệu đồng/tháng  ẢNH P.HẬU

“Mô hình này giải quyết ô nhiễm môi trường. Tôi vẫn nói với các hộ chăn nuôi, còn để phân chảy ra ngoài môi trường thì giống như tiền trôi đi vậy. Nếu mua nguyên liệu thì mình không thể đủ tiền trả cho tất cả. Nhưng tôi trả bằng cách chia sẻ kiến thức chuyên môn thú y. Thực tế, người chăn nuôi rất “khoái” kiểu hợp tác này”, anh Thảo nói.
Trong căn nhà đang sửa lại làm văn phòng giao dịch của HTX môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng, anh Thảo dành riêng một phòng lớn nhất để sau này tổ chức hội thảo, tư vấn kỹ thuật giữa các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp với các hộ chăn nuôi.
Kiếm tiền tỉ từ phân bò!
HTX môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng hiện có công suất trên 3.600 tấn/năm. Giá trung bình 5.000 đồng/kg, doanh thu mỗi năm gần 2 tỉ đồng. Chỉ sau 3 năm làm phân hữu cơ, anh Thảo có vốn đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng nhà xưởng, khu sản xuất quy mô lớn. Xưởng sản xuất này tạo việc làm cố định cho 16 lao động với mức lương mỗi người từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. Phân bón được tiêu thụ tại các nhà vườn trồng cây ăn quả ở Sơn La, Hoà Bình, Bắc Giang, Hà Tĩnh… Mô hình xử lý phân hữu cơ không mùi độc đáo của Nguyễn Văn Thảo đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia Nhật Bản, Nga… tìm đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất.

PHAN HẬU

TNO