23/11/2024

Châu Âu bắt đầu chạy đua tiêm chủng vắc xin Covid-19

Châu Âu bắt đầu chạy đua tiêm chủng vắc xin Covid-19

Nhiều nước châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên quy mô lớn nhằm đối phó đại dịch.
Một bác sĩ ở Budapest (Hungary) được chủng ngừa Covid-19 vào ngày 26.12 /// AFP
Một bác sĩ ở Budapest (Hungary) được chủng ngừa Covid-19 vào ngày 26.12  AFP
Hãng Reuters ngày 27.12 đưa tin các nước châu Âu đang chạy đua tiêm chủng vắc xin Covid-19, trong đó Hungary và Slovakia trở thành 2 nước đầu tiên triển khai tại châu lục này khi triển khai từ ngày 26.12.
Tại Đức, một số người cao tuổi tại các nhà dưỡng lão được tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 26.12 (giờ địa phương), một ngày trước khi Đức chính thức triển khai chiến dịch chủng ngừa trên cả nước.
Các chuyên gia y tế cho rằng chủng ngừa Covid-19 trên diện rộng tại các nước Liên minh châu Âu, với dân số gần 450 triệu người, sẽ là một bước quan trọng tiến tới chấm dứt đại dịch trên toàn cầu đã khiến hơn 80 triệu người mắc và hơn 1,7 triệu người tử vong, bên cạnh thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Hungary tiêm chủng vắc xin Covid-19 được phát triển bởi Pfizer và BioNTech cho nhân viên các bệnh viện ở thủ đô Budapest, sau khi nhận được lô đầu tiên đủ để chủng ngừa cho 4.875 người. Người đầu tiên được tiêm vắc xin là bác sĩ Adrienne Kertesz tại Bệnh viện Trung ương Del-Pest.
Hungary ghi nhận 315.362 ca mắc Covid-19 với 8.951 ca tử vong, trong khi hơn 6.000 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Bà Zsuzsa Takacs (68 tuổi) cùng chồng là ông Antal Takacs (75 tuổi) chia sẻ rằng họ rất vui vì có vắc xin. “Chúng tôi sẽ tiêm chủng vì con gái chúng tôi ở Pháp vừa sinh con hồi tháng trước và chúng tôi muốn đến thăm. Chúng tôi không dám đi trước khi chúng tôi được tiêm vắc xin”, bà Zsuzsa nói.
Tại Slovakia, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Vladimir Krcmery, thành viên Ủy ban phòng chống đại dịch, là người đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19. Các nước khác ở châu Âu bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 vào ngày 27.12 gồm Pháp, Đức, Ý, Áo, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Cảnh báo còn nhiều dịch bệnh

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng Covid-19 không phải là đại dịch cuối, và nỗ lực cải thiện sức khỏe con người sẽ thất bại nếu không đối phó biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe động vật.
Ông cho rằng việc vung tiền đối phó sự bùng phát của dịch bệnh mà không làm gì để chuẩn bị đối phó khả năng xảy ra dịch bệnh khác là “thiển cận nguy hiểm”.
Phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ nhất Ngày quốc tế sẵn sàng đối phó dịch bệnh, ông nhấn mạnh rằng đã đến lúc học từ đại dịch Covid-19: “Từ lâu nay, thế giới vận hành theo chu kỳ hoảng hốt và lơ là. Chúng ta ném tiền vào dịch bệnh, và khi hết rồi, chúng ta quên nó đi và không làm gì để đề phòng đại dịch khác. Điều này là thiển cận nguy hiểm và thật khó hiểu”.
Vào tháng 9.2019, Ban Giám sát tình trạng sẵn sàng toàn cầu đưa ra báo cáo thường niên đầu tiên về sự chuẩn bị của thế giới đối với tình trạng khẩn cấp về y tế, cảnh báo rằng thế giới không hề chuẩn bị gì cho các đại dịch tàn phá.
“Lịch sử cho thấy đây không phải là đại dịch cuối, và dịch bệnh là điều thực tế trong cuộc sống. Đại dịch cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe con người, động vật và hành tinh”, ông nhấn mạnh.
Ông Tedros kêu gọi các nước đầu tư vào năng lực sẵn sàng phòng ngừa, phát hiện và giảm thiểu mọi tình trạng khẩn cấp, cũng như cải thiện chăm sóc y tế cơ bản.
KHÁNH AN
TNO