24/12/2024

Trường ĐH tư thục dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT?

Trường ĐH tư thục dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT?

Trong khi năm nay một số trường ĐH công lập công bố sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ thì nhiều trường ĐH tư thục vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 /// Đào Ngọc Thạch
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong những ngày gần đây, một số trường ĐH tư thục bắt đầu công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021. Đáng chú ý là chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn rất cao, chiếm ưu thế tại một số trường.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường đã công bố đề án tuyển sinh ĐH chính quy dự kiến năm 2021. Theo đó, trường xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho 50 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Trong đó, đối với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trường dành 65% chỉ tiêu.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết trường đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến, trong đó dự kiến tuyển sinh 5 ngành học mới gồm bất động sản, tài chính quốc tế, báo chí, tâm lý học, thiết kế đồ họa. Cũng theo đề án tuyển sinh dự kiến, trường thực hiện xét tuyển đồng thời 4 phương thức tuyển sinh với 3.495 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo. Đối với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trường dành 65% chỉ tiêu.
Theo đề án tuyển sinh dự kiến, Trường ĐH Văn Lang dành 60% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT trong tổng chỉ tiêu xét tuyển của toàn trường…
Giải thích về việc ưu tiên dành 65% chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết đây là tỷ lệ ổn định nhiều năm qua trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Trường tiếp tục giữ chỉ tiêu này trong năm 2021 để thí sinh (TS) không phải bất ngờ, có thể dành thời gian và công sức cho việc tìm hiểu thông tin về ngành đào tạo, môi trường đào tạo, hướng phát triển của ngành nghề… để qua đó chọn ngành, chọn trường phù hợp, hơn là lo lắng tìm cách “thích nghi” với các phương thức xét tuyển mới.
Ngoài ra, theo thạc sĩ Dung, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vẫn là kỳ thi mang tính truyền thống – mục tiêu mà mọi học sinh hướng tới khi học tập ở bậc THPT, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá phân loại TS. Việc giữ chỉ tiêu lớn cho phương thức này giúp TS có thể kết hợp vừa ôn thi tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, cũng như phù hợp để TS tập trung vào các tổ hợp thế mạnh của mình chứ không quá dàn trải.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng nhận định những năm qua số lượng TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT luôn cao, chất lượng đầu vào tốt và khá ổn định. Thạc sĩ Nguyên cho biết: “Học sinh đã quen với việc thi tốt nghiệp THPT và cũng dành thời gian, trí lực cho kỳ thi cuối cấp này. Đồng thời, đây cũng là kỳ thi duy nhất đánh giá kiến thức học sinh với quy mô toàn quốc và tổ chức nghiêm ngặt, tính phân hóa tốt. Kỳ thi cũng được Bộ định hướng là ổn định trong giai đoạn 5 năm tới 2021 – 2025. Vì vậy, các trường vẫn sẽ áp dụng phương thức này là chủ yếu để ổn định công tác tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025”.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO