23/11/2024

Hợp tác vạch rõ ‘giới tuyến’ với Trung Quốc

Hợp tác vạch rõ ‘giới tuyến’ với Trung Quốc

Lại có thêm thành viên EU ủng hộ chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở nhằm đối phó với các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoại trưởng Ấn Độ (trái) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ /// Reuters
Ngoại trưởng Ấn Độ (trái) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ REUTERS
Hãng thông tấn ANI ngày 24.12 đưa tin trong cuộc hội đàm trực tuyến mới đây, lãnh đạo Bộ Ngoại giao của Ấn Độ và Croatia khẳng định cùng nhau chia sẻ tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở.
Như vậy, lại có thêm thành viên EU ủng hộ chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở. Chiến lược này, với nền tảng là tứ giác kim cương gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ, nhằm đối phó các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.
Gần đây, tầm nhìn về Indo-Pacific từng bước nhận được sự chia sẻ từ các thành viên EU, và cả Anh. Đầu tháng 12, ông Nicolas Chapuis, Đại sứ EU ở Trung Quốc, cho rằng EU và Mỹ nên cùng hợp tác để chống lại những chiêu trò cưỡng chế ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời phối hợp với các bên liên quan vấn đề Biển Đông.
Hồi tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho hay nước này muốn gửi chiến hạm đến Indo-Pacific để tập trận cùng hải quân Úc. Bà bộ trưởng còn lên án các hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Vào tháng 9, Anh cùng với Pháp và Đức đã gửi công hàm lên LHQ nhằm thể hiện sự phản đối về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đến nay vẫn phớt lờ phán quyết. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhận định cộng đồng quốc tế cần phối hợp để tăng áp lực đối với Bắc Kinh. Vì thế, khi càng có nhiều nước vạch rõ “giới tuyến” trước các hành vi của Trung Quốc thì áp lực sẽ càng hiệu quả.
PHÁT TIẾN
TNO