23/12/2024

Dư địa giảm lãi có còn ?

Dư địa giảm lãi có còn ?

Mặt bằng lãi suất trên thị trường thời gian qua liên tục giảm, nhưng theo các chuyên gia, dư địa giảm trong thời gian tới theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn.
Các khoản vay cũ vẫn chịu lãi cao /// Ảnh: Ngọc Thắng
Các khoản vay cũ vẫn chịu lãi cao  ẢNH: NGỌC THẮNG

Lãi suất vay giảm chậm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng (NH) tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng.

Đối với các hợp đồng vay cũ có mức lãi suất cao trên 10%/năm, các khách hàng chỉ có thể chờ đến kỳ hạn điều chỉnh lãi suất thì mới giảm được do trước đó NH đã huy động mức lãi suất cao đầu vào để cho vay.

Ông Nguyễn Trí Hiếu

Nhằm hỗ trợ các NH cắt giảm chi phí, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC) vừa ban hành quyết định chiết khấu 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hằng tháng của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trước đó, CIC cũng đã thực hiện giảm chiết khấu hỗ trợ cho các NH khoảng 200 tỉ đồng.

Dù đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 – 2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6 – 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019 nhưng tốc độ giảm lãi vay vẫn đang chậm hơn so với huy động.
Theo dữ liệu của Công ty Fiin Group, biên lãi ròng (NIM) của 21 NH niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản trong quý 3 so với quý 2 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý 1/2018 – giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành NH.
Để có được mức NIM này, các NH vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao, tăng lên 9,2%/năm từ mức 9%/năm. Thu nhập lãi cho vay khách hàng của 20 NH (trừ BVB) đã tăng 5,2% trong khi thu nhập lãi từ chứng khoán nợ chỉ tăng 0,8% so với quý 2. Điều này cho thấy tăng trưởng NIM và thu nhập lãi thuần phần lớn đến từ cho vay khách hàng. Lãi suất huy động của các NH giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5%, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi suất vay giảm chưa tương ứng với lãi huy động. Theo dự báo của Fiin Group, NIM của các NH trong quý 4 sẽ ở mức cao do lãi suất huy động giảm.

Lãi suất huy động dự báo còn giảm

Từ đầu tháng 12 đến nay, các NH đã giảm nhẹ lãi suất tiền đồng, chẳng hạn đối với không kỳ hạn từ 0,03 – 0,2%/năm, dưới 6 tháng từ 2,4 – 4%/năm, trên 6 tháng từ 3,9 – 4,5%/năm, từ 12 tháng trở lên từ 5 – 7%/năm. Còn đối với lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn từ 3,7 – 6%/năm, trung và dài hạn từ 9 – 11%/năm. Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên Trường Bizlight, cho rằng lợi nhuận đạt được khá khủng của các NH là dư địa để có thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khách hàng.
Dù đồng tình lãi suất còn dư địa giảm nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vốn – Viện Nghiên cứu quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng không phải do lợi nhuận “khủng” của các NH là yếu tố quyết định. Nợ xấu ngành NH năm 2020 nghiêm trọng hơn và có thể sẽ tiếp diễn qua năm 2021. Tính đến cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2% do nền kinh tế bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các khách hàng bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn hàng cũng gặp nhiều khó khăn… NH không chuyển nhóm nợ nên chi phí dự phòng thấp hơn thực tế, nên họ phải có “của để dành” để nếu các món nợ xấu trở thành thực tế thì họ còn có khoản để xử lý.
Phân tích việc lãi suất cho vay còn dư địa giảm, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng theo dõi tình hình lãi suất huy động của các NH gần đây liên tục giảm sâu, trong khi cho vay chưa theo kịp đã tạo ra biên độ giãn hơn so với trước. Dù biên độ giãn ra, nhưng NH phải trích lập rủi ro trên sổ sách, cần một khoản xử lý khi nợ nhảy nhóm, có để trích lập dự phòng tăng. Nhìn vào sổ sách thấy biên độ giãn ra nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Tuy nhiên, để hỗ trợ nền kinh tế, NH vẫn có thể giảm lãi suất khi theo dõi diễn biến từng khách hàng, tiến hành các biện pháp thu hồi nợ, cảnh báo sớm. Hơn nữa, với tình hình lạm phát dưới 4% như hiện nay, lãi suất huy động còn dư địa giảm thêm 0,5%/năm, điều này có thể sẽ diễn ra vào đầu năm 2021. Đây là điều kiện hỗ trợ lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm và cao hơn huy động khoảng 3% là hợp lý.
THANH XUÂN
TNO