25/12/2024

Vẫn còn ‘khoảng trống’ khiến người dân doanh nghiệp ngại lắp điện mặt trời

Vẫn còn ‘khoảng trống’ khiến người dân doanh nghiệp ngại lắp điện mặt trời

Cơ chế mua bán điện theo giá cố định trong 20 năm (giá FIT) với các dự án điện mặt trời sẽ hết hiệu lực vào 31-12-2020 trong khi cơ chế mới vẫn chưa có, mức giá mới vẫn chưa ban hành khiến người dân, doanh nghiệp ngần ngại, chưa muốn đầu tư.

 

Vẫn còn khoảng trống khiến người dân doanh nghiệp ngại lắp điện mặt trời - Ảnh 1.

Giá mua điện mặt trời mái nhà theo cơ chế FIT sắp hết hạn, trong khi giá mới vẫn chưa có thông tin – Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam 2020 do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực và tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 23-12, đại diện Tổng công ty điện lực TP.HCM đã nêu những khó khăn của người dân, doanh nghiệp khi đầu tư điện mặt trời trong thời điểm này.

Cụ thể, ông Phan Quang Vinh – phó Ban kinh doanh, Tổng công ty Điện lực TP.HCM – cho biết tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM rất lớn song hiện có nhiều trở ngại làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển điện mặt trời trời mái nhà, đặc biệt cơ chế giá FIT sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12 trong khi vẫn chưa có thông tin về chính sách tiếp theo. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư đang có tâm lý ngần ngại, chưa muốn đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng về công tác quản lý xây dựng khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà khiến một số địa phương đã ban hành các quy định riêng theo hướng hạn chế, ảnh hưởng đến nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà của người dân.

Ông Vinh cũng đặt vấn đề hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điện mặt trời mái nhà như tấm quang điện, inverter… để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng đưa vào thị trường Việt Nam.

70% điện mặt trời ở TP.HCM là người dân tự dùng

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), tính đến ngày 15-12, công suất điện mặt trời ở TP đã đạt 245 MWp với 12.473 hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tổng sản lượng điện mặt trời mái nhà phát trong năm 2020 ước tính khoảng 230 triệu kWh, sản lượng khách hàng tự sử dụng khoảng 161 triệu kWh (chiếm 70%) và sản lượng phát ngược lên lưới được EVNHCMC mua lại khoảng 69 triệu kWh (chiếm 30%).

Tương tự, ông Phan Sỹ Nghĩa – giám đốc Công ty Thông tin điện lực Miền Nam – cũng cho rằng việc sớm ban hành giá mua điện mặt trời trước khi cơ chế FIT hết hiệu lực sẽ tạo điều kiện để khách hàng, người dân yên tâm đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích về thuế suất để các doanh nghiệp khẩu khẩu các thiết bị chính như tấm pin, inverter với công nghệ tiên tiến.

Trong tham luận gửi đến diễn đàn, Công ty CP Tập đoàn Trường Thành cho rằng doanh nghiệp lo ngại nhất là sự không ổn định, không rõ ràng chậm khắc phục những điểm bất hợp lý, “điểm trống” trong cơ chế, chính sách. Với điện mặt trời, phải mất một năm nhưng vẫn chưa ban hành cơ chế đấu thầu để xác định giá bán điện khiến toàn bộ các dự án của doanh nghiệp phải dừng lại để chờ đợi.

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp đều kiến nghị Chính phủ sớm có giá mới để các doanh nghiệp định hướng đầu tư, tránh “khoảng trống” về chính sách khiến doanh nghiệp phát triển cầm chừng.

Ngoài vấn đề chính sách về giá, nhiều doanh nghiệp, đại diện khu công nghiệp tại TP.HCM cũng cho rằng Nhà nước cần có quy định về thu hồi, xử lý tấm pin hết đát để cả người dân lẫn doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Điện gió cũng lo canh cánh

Trao đổi tại diễn đàn, ông Lê Ngọc Hùng – giám đốc phát triển dự án của Phú Cường Group – cho biết mối quan tâm của các nhà đầu tư điện gió hiện nay là cơ chế giá FIT khi Bộ Công thương đã có dự thảo đề xuất gia hạn giá FIT đến 2023 và áp dụng giá FIT mới trong giai đoạn từ 11-2021 đến cuối 2023 với mức giảm dự kiến từ 15-18%. Theo ông Hùng, mức giá FIT mới sẽ làm “mất động lực” cho sự phát triển trong tương lai của ngành điện gió Việt Nam. Do đó, ông Hùng đề xuất tiếp tục gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió bởi dịch COVID-19 đã tác động đến tiến độ xây dựng các dự án.

NGỌC HIỂN
TTO