25/12/2024

Viettel, MobiFone, EVN sẽ trở thành tập đoàn nhà nước đặc biệt, dẫn dắt phát triển?

Viettel, MobiFone, EVN sẽ trở thành tập đoàn nhà nước đặc biệt, dẫn dắt phát triển?

Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước sắp được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy phát triển 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt 3 cái tên nêu trên sẽ đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành.

 

 

 

Viettel, MobiFone, EVN sẽ trở thành tập đoàn nhà nước đặc biệt, dẫn dắt phát triển? - Ảnh 1.

MobiFone sẽ trở thành tổng công ty đặc biệt, dẫn dắt phát triển ngành viễn thông những năm tới – Ảnh: B.N.

Xây dựng cơ chế riêng cho doanh nghiệp nhà nước

Đề án có tên đầy đủ phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.

Đối tượng đề án là các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, trọng tâm 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế như năng lượng, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, đề án sẽ tập trung đưa ra các giải pháp để phát triển các doanh nghiệp nhà nước lớn trong 6 ngành, lĩnh vực thời gian tới.

Đó là tạo lập các cơ chế ưu đãi, thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex trong lĩnh vực năng lượng.

Tập trung phát triển Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và 4 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank trong lĩnh vực đầu tư vốn và tài chính, ngân hàng.

Lĩnh vực kết cấu hạ tầng sẽ tập trung phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Lĩnh vực công nghiệp sẽ phát triển Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Ximăng Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ngành viễn thông sẽ tập trung phát triển Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel).

Ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên phát triển Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Viettel, MobiFone, EVN sẽ trở thành tập đoàn nhà nước đặc biệt, dẫn dắt phát triển? - Ảnh 2.

EVN được định hướng trở thành đầu tàu trong phát triển lĩnh vực năng lượng – Ảnh: B.N.

Phát triển đặc biệt 3 tập đoàn, tổng công ty

Trong đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Chính phủ ưu tiên phát triển 3 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng để dẫn dắt phát triển trong 3 lĩnh vực quan trọng là viễn thông, năng lượng và công nghiệp quốc phòng.

Trong lĩnh vực viễn thông, bộ này đề xuất chọn phát triển MobiFone thành doanh nghiệp viễn thông quy mô lớn, đặc biệt. Lý do MobiFone là doanh nghiệp có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trong 3 doanh nghiệp viễn thông.

Đề án cũng định hướng MobiFone tập trung đầu tư vào chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong lĩnh vực năng lượng, đề án lựa chọn EVN là doanh nghiệp phát triển đặc biệt vì tập đoàn có sản lượng điện sản xuất chiếm tỉ trọng gần 50% sản lượng điện toàn quốc.

Chính phủ sẽ thành lập tổ hợp phát triển năng lượng, trong đó EVN đóng vai trò chính, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng điện gió ngoài khơi. Khuyến khích SCIC phối hợp với EVN để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, có sự tham gia của PVN.

Đồng thời nghiên cứu định hướng chuyển trung tâm điều độ điện thuộc EVN về Bộ Công thương quản lý, đảm bảo vai trò Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực truyền tải khi thực hiện cổ phần hóa EVN trong thời gian tới.

Với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đề án lựa chọn Viettel do tập đoàn này là đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự.

Đồng thời, định hướng phát triển Viettel tập trung vào 3 mảng công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, Viettel nằm trong top 80 doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động quốc phòng cao trên thế giới.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, mặc dù chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong nền kinh tế, gần 0,4% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 26% tổng vốn sản xuất kinh doanh và hơn 24% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động.

 

BẢO NGỌC
TTO