Nhà đầu tư ngoại muốn đổ thêm vốn vào năng lượng sạch
Nhà đầu tư ngoại muốn đổ thêm vốn vào năng lượng sạch
Điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân… được các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt quan tâm và đề xuất Chính phủ sớm có chính sách để thu hút thêm vốn tư nhân, vốn nhà đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực này.
Những đề xuất liên quan đến lĩnh vực điện này được các hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020, tổ chức hôm 22-12 với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”.
Theo đó, nhóm Công tác cơ sở Hạ tầng VBF cho rằng chính phủ cần xây dựng môi trường pháp lý và thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị Việt Nam xem xét việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và sẽ cam kết sẽ hợp tác với về lĩnh vực này, còn các doanh nghiệp Anh khuyến nghị Việt Nam cần duy trì cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế với an ninh năng lượng để không thiếu điện trong tương lai và nên kéo dài cơ chế giá mua bán điện cố định (giá Fit) đối với điện gió.
Ông Bùi Quốc Hùng, phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết Bộ Công thương đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2030 xét đến 2045 để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Hùng nói rằng, theo tính toán đến năm 2030, Việt Nam cần tổng sản lượng điện gấp đôi năm 2020, khoảng 12.000 MW, vì thế nếu không phát triển nhiệt điện than thì khó đáp ứng được việc cung ứng điện. Vì vậy, trong tổng sơ đồ điện VII, vẫn phải đặt vấn đề tiếp tục sử dụng các nhà máy điện than.
Tuy nhiên, khi xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII, Việt Nam sẽ không đặt vấn đề phát triển các nhà máy điện than nữa mà chỉ duy trì các nhà máy hiện hữu, còn mục tiêu hướng đến là phát triển năng lượng tái tạo cũng như các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên.
Ông Hùng cho biết, theo sơ đồ điện VII, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 850 MW điện mặt trời. Sau khi Chính phủ về cơ chế ưu đãi phát triển điện mặt trời, dự kiến đến hết năm 2020, Việt Nam có hơn 10.000 MW điện mặt trời.
Với điện gió, ông Hùng cho hay là Bộ Công thương đang báo cáo Thủ tướng phê duyệt là 18.000 MW. Như vậy, tổng diện gió và điện mặt trời là rất lớn với gần 40.000 MW.
“Song, theo tính toán của Bộ Công thương, đến năm 2030, lượng điện mặt trời có thể bổ sung được khoảng 4.500 MW và điện gió là 7.700 MW. Hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu tính toán để báo cáo Chính phủ đến năm 2030, dự kiến có khoảng 16.400 MW điện sử dụng bằng khí hóa lỏng” – ông Hùng nói.