25/12/2024

Người Hồi giáo lo ngại ‘thành phần thịt heo’ trong vắc xin ngừa COVID-19

Người Hồi giáo lo ngại ‘thành phần thịt heo’ trong vắc xin ngừa COVID-19

Đối với một số tôn giáo như đạo Hồi cấm tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo, một chất thường được dùng trong chế tạo các loại vắc xin có nguồn gốc từ heo là galetin đã gây ra nhiều lo ngại.

 

Người Hồi giáo lo ngại thành phần thịt heo trong vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Một số cộng đồng tôn giáo trên thế giới lo ngại về thành phần xuất xứ từ heo trong vắc xin COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AP, vào tháng 10-2020, một đoàn nhà ngoại giao Indonesia và lãnh đạo Hồi giáo đã đến Trung Quốc. Trong khi nhóm ngoại giao lo đàm phán giá cả cho thỏa thuận mua vắc xin cho hàng triệu người Indonesia thì nhóm lãnh đạo tôn giáo lại lo về chuyện liệu vắc xin COVID-19 có được phép sử dụng theo luật Hồi giáo hay không, hoặc nói cách khác có “Halal” hay không.

Trong lúc cả thế giới đang chạy đua bào chế và tranh giành “mua gom” vắc xin COVID-19 thì câu hỏi về việc sử dụng chế phẩm từ thịt heo, vốn bị cấm bởi vài tôn giáo như đạo Hồi và Do Thái giáo, đã dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn các chiến dịch tạo miễn dịch cộng đồng.

Gelatin có nguồn gốc từ heo, thường được sử dụng làm chất ổn định để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của vắc xin trong việc lưu trữ và vận chuyển. Một số quốc gia nhiều năm nay đã cố gắng chế tạo vắc xin không dùng gelatin nhưng gặp các trở ngại về nhu cầu, chuỗi cung ứng, chi phí và hạn sử dụng ngắn.

Theo tiến sĩ Salman Waqar, tổng thư ký Hiệp hội y khoa Hồi giáo Anh, điều này đồng nghĩa với việc gelatin sẽ tiếp tục được dùng trong lượng lớn vắc xin nhiều năm tới.

Các phát ngôn viên của các hãng Pfizer, Moderna và AstraZeneca tuyên bố vắc xin của họ không dùng chế phẩm từ heo. Tuy nhiên, do hạn chế về số lượng và các thỏa thuận đã có từ trước, nên sẽ không có chứng nhận “Halal” cho vắc xin cung cấp cho các quốc gia đông dân theo đạo Hồi như Indonesia.

Vấn đề này gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các cộng đồng tôn giáo bao gồm Do Thái chính thống và Hồi giáo. Họ cũng không biết luật tôn giáo áp dụng ra sao lên thuốc men.

Trong nhiều tranh cãi trước đây, số đông đồng thuận rằng gelatin trong vắc xin không vi phạm luật Hồi giáo, bởi việc không dùng vắc xin sẽ gây ra tổn hại to lớn, theo PGS.TS Harunor Rashid tại Đại học Sydney (Úc). Nhiều lãnh đạo Do Thái chính thống cũng có đánh giá tương tự như thế.

“Theo luật Do Thái, việc cấm ăn heo hay chế phẩm thịt heo chỉ áp dụng khi ăn một cách tự nhiên. Vắc xin được tiêm vào cơ thể chứ không phải vào bằng đường miệng nên không cấm và không có vấn đề gì, đặc biệt là khi chúng ta lo lắng về bệnh tật” – giáo sĩ David Stav, chủ tịch của tổ chức giáo sĩ Do Thái Tzohar tại Israel, lập luận.

Việc “lăn tăn” về vấn đề vắc xin trong cộng đồng tôn giáo từng để lại hậu quả y tế nghiêm trọng cho Indonesia – quốc gia có dân số theo đạo Hồi đông nhất thế giới với 225 triệu người.

Năm 2018, Hội đồng Ulema Indonesia phụ trách chứng nhận các sản phẩm Halal được phép sử dụng theo luật Hồi giáo đã xếp loại vắc xin sởi và rubella là “Haram”, tức không được phép, bởi vì thành phần gelatin. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng đã khuyên các cha mẹ không tiêm vắc xin này cho con của họ.

Kết quả là số ca mắc sởi tăng vọt, đưa Indonesia trở thành quốc gia có tỉ lệ mắc sởi cao thứ 3 thế giới. Một bộ phận giáo sĩ Hồi giáo sau đó đã ban sắc lệnh cho phép sử dụng vắc xin, tuy nhiên văn hóa kiêng kỵ vẫn khiến tỉ lệ tiêm chủng duy trì ở mức thấp.

LÊ CHUNG
TTO