24/11/2024

Bỗng ‘mất’ 50 triệu USD vì bị thay đổi cách tính thuế

Bỗng ‘mất’ 50 triệu USD vì bị thay đổi cách tính thuế

Chiều qua, 21.12, đã diễn ra buổi đối thoại với doanh nghiệp (DN) Nhật Bản do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.
 /// Ảnh: Gia Khiêm
Ảnh: Gia Khiêm
Câu chuyện Công ty HOYA VN có trụ sở tại Hưng Yên phản ánh việc bị đánh thuế bổ sung thêm 50 triệu USD trong 10 năm tới là “điểm nóng” tại buổi đối thoại.
Theo phản ánh của lãnh đạo Công ty HOYA, từ năm 2008, công ty đầu tư vào VN để sản xuất nền thủy tinh cho đĩa từ, phục vụ trong ngành sản xuất thiết bị internet, viễn thông. Đây là ngành nghề trong danh mục ưu đãi đầu tư và công ty được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN.
Tuy nhiên, sau cuộc thanh tra thuế năm 2016 thì Cục Thuế tỉnh Hưng Yên không chấp thuận chính sách thuế đang áp dụng, và bắt đầu tính thuế bổ sung từ giữa năm 2018. “Số tiền thuế đó ước tính lên đến 50 triệu USD trong vòng 10 năm”, vị này cho hay và kiến nghị Chính phủ có ý kiến theo hướng Cục Thuế tỉnh Hưng Yên nên tiếp tục cho công ty hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN hiện hành (thuế suất 10% trong vòng 15 năm, 4 năm miễn thuế, 9 năm giảm 50% thuế sau khi thành lập) để yên tâm mở rộng sản xuất.
Giải trình nội dung này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế, cho biết trong 2 năm 2018 và 2019, cơ quan này đã liên tiếp có văn bản trả lời cho Cục Thuế Hưng Yên rằng cần làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, vì đây là cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN, có trách nhiệm làm việc với các bộ, ngành liên quan để xác định mức ưu đãi đầu tư theo thực tế đáp ứng của DN. Trường hợp cần thiết thì báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên cho ý kiến chỉ đạo.
Ông Huy cũng thông tin thêm, tỉnh Hưng Yên cho rằng do đĩa từ mới là phôi thì chưa hoàn chỉnh, nên không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và căn cứ theo luật Đầu tư cũng không thuộc sản phẩm máy tính, công nghệ thông tin thuộc danh mục được ưu đãi. “Tỉnh Hưng Yên đã có văn bản hỏi Bộ KH-ĐT. Một phó thủ tướng cũng đã chủ trì họp và giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính có ý kiến”, ông Huy nói. Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại, lãnh đạo Công ty HOYA cho hay họ vẫn chưa hài lòng và đề nghị chỉ rõ cơ quan nào có thẩm quyền để xác định đây có phải là sản phẩm thuộc danh mục được ưu đãi đầu tư.
Tại hội nghị, một vấn đề khác được các DN Nhật quan tâm là nới lỏng các quy định nhập cảnh, cách ly đối với chuyên gia sang thực hiện các dự án tại VN như nối lại chuyến bay thương mại thường lệ, rút ngắn thủ tục phê duyệt của UBND các tỉnh, thành (hiện khoảng 2 tháng) xuống còn khoảng 1 tuần để đồng ý nhập cảnh cũng như cần rút ngắn hơn nữa thời gian cách ly sau khi nhập cảnh.
Đại diện Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, hiện cơ quan này chỉ mất 3 ngày làm việc để giải quyết thủ tục sau khi có ý kiến phê duyệt của cơ quan cấp tỉnh và phương án cách ly của ngành y tế. Dẫu vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng “3 ngày vẫn là chậm” vì các hồ sơ, thủ tục xin phép đã được gửi qua mạng trước đó.
“Ngành xuất nhập cảnh thì không nên can thiệp họ vào thì cách ly thế nào, ngủ ở đâu vì cái đó UBND tỉnh định nhập cảnh đã chịu trách nhiệm. Visa và cả giấy phép lao động của ngành LĐ-TB-XH nên gia hạn điện tử, làm sao tạo thuận lợi nhất cho DN bởi chuyên gia có vào được hay không là yếu tố rất quan trọng để chúng ta thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, ông Dũng bày tỏ.
CHÍ HIẾU
TNO