26/12/2024

Giọt nước làm tràn ly

Giọt nước làm tràn ly

Mối quan hệ của Nga và Trung Quốc với Đức trong thời gian gần đây vốn không được êm đẹp, nhưng gay cấn như vừa thể hiện trong HĐBA LHQ thì lại không phải.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại một sự kiện G7 năm 2017 /// Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại một sự kiện G7 năm 2017  REUTERS
Lâu nay Nga – Trung Quốc chưa lần nào đồng thời ra đòn chính trị ngoại giao với Đức quyết liệt đến mức độ như thế. Nguyên do không phải rắc rối trực tiếp gì trong các mối quan hệ song phương mà là chuyện cứu trợ nhân đạo ở Syria. Phía Đức cáo buộc Nga và Trung Quốc cản trở công việc cứu trợ này, với ẩn ý phê phán Nga và Trung Quốc hậu thuẫn chính thể của Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà các nước phương Tây, trong đó có Đức, không hài lòng.
Nga và Trung Quốc đã dùng những ngôn từ rất nặng trong thế giới ngoại giao để đánh giá và phê phán cũng như bác bỏ cáo buộc nói trên của Đức. Trong đó, nặng nhất là nội dung đại ý phía Đức tuyên cáo và hành xử như thế thì không xứng đáng để trở thành thành viên thường trực mới của HĐBA LHQ sau khi được cải cách và mở rộng. Hàm ý ở đây là cho dù hiện tại cả hai thành viên thường trực này đều không ủng hộ việc cải tổ HĐBA LHQ theo hướng tăng số thành viên thường trực cũng như không thường trực thì dẫu tới đây có ủng hộ, họ cũng không ủng hộ Đức vì thấy Đức không xứng đáng. Đức vốn kiên định theo đuổi mục tiêu này ngay từ khi chuyện cải tổ LHQ nói chung và HĐBA LHQ nói riêng được đề ra.
Xưa nay, Nga và Trung Quốc không công khai thể hiện thái độ không thuận với mục tiêu này của Đức. Nhưng thời gian qua, Đức làm găng với họ trong nhiều chuyện và chiều ngược lại họ đã chuyển qua thể hiện thái độ mạnh mẽ với Đức. Vụ việc mới nói trên vì thế được Nga – Trung cùng nhau sử dụng như giọt nước làm tràn ly.
PHẠM LỮ
TNO