24/11/2024

Cận kề thi học kỳ, nhộn nhịp đưa con đi ‘bùa’ điểm

Cận kề thi học kỳ, nhộn nhịp đưa con đi ‘bùa’ điểm

‘Bùa’ điểm là cách nói của nhiều phụ huynh cho con đi học thêm cấp tốc trước thềm kiểm tra học kỳ 1 sắp diễn ra. Ở những lớp học thêm này, giáo viên cho kiểm tra với đề na ná đề kiểm tra học kỳ.

 

Cận kề thi học kỳ, nhộn nhịp đưa con đi bùa điểm - Ảnh 1.

Phụ huynh đón con sau khi con ôn tập thi, học thêm tại nhà cô giáo trên một con hẻm ở Q.3, TP.HCM – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Một buổi học như vậy phụ huynh đóng 200.000 – 300.000 đồng.

Một bữa ôn chất lượng như này mất gần 200.000 đồng. Có tốn tiền bạc, thời gian, tôi cũng ráng đưa con đi “bùa” trước khi thi.

Một phụ huynh có con học thêm ở Q.3, TP.HCM

Học thêm cấp tốc

Chiều muộn. Một ngày giữa tháng 12. Chúng tôi chứng kiến chị N.T.Thơ – một người mẹ làm công nhân may mặc ở Q.Tân Bình (TP.HCM) – phải bỏ giờ tăng ca để… đưa con đi học thêm chuẩn bị kiểm tra học kỳ.

Đứng trước một trường tiểu học trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), thấy con vừa tan học, chị Thơ liền nắm tay đưa vội vào quán nước bên đường rồi lấy ổ bánh mì thịt giục cậu con trai học lớp 4 ăn vội.

“Nhanh đi con! Ăn nhanh vào học chứ 7 giờ rưỡi mới về, đói bụng làm sao mà học cho vô chữ. Ráng tuần này thi xong điểm cao thì muốn gì mẹ thưởng” – chị vừa nói, vừa chặm mồ hôi trên trán con.

Chị Thơ chia sẻ rằng đã hai năm qua, cứ đến kiểm tra học kỳ là chị bỏ việc, tăng tốc đưa đón con học thêm.

“Năm lớp 1, gần ngày kiểm tra tôi lơ là việc con ôn tập ở nhà cô nên điểm thấp. Hai năm nay, tôi chú ý hơn. Bình thường học thêm nhà cô một tuần 2 buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi. Nhưng tuần sau thi, tăng lên 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng. Chỉ tuần cuối quyết định nên thôi tôi chịu khó tăng tốc với con” – chị Thơ nói.

Đó không chỉ là chuyện của chị Thơ. Vòng từ đường Lê Văn Sỹ đến một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quốc Toản (Q.3) có hai lớp học thêm của hai cô giáo. Khoảng 17h30 đến 19h30 là tấp nập học sinh và phụ huynh đón đưa, ra vào nhộn nhịp.

Đến sớm hơn thường ngày, anh Nguyễn Văn Long, có con học Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), dựa người trên chiếc xe, lướt điện thoại chờ con rồi nói: “Tôi nghe vợ nói mấy hôm nay học thêm tăng lên, cả học kỳ chỉ có tuần này là quan trọng nhất. Cùng nội dung, nhưng ôn tập nhà cô, khác ôn ở lớp. Chiều tôi rước thằng bé từ trường, con nói mệt xin nghỉ nhưng mẹ cháu kiên quyết nên con vẫn đi học. Tôi đi làm cả ngày, cũng ráng chạy theo để con thi đạt điểm cao”.

“Làm đi làm lại dạng đề này nghe chưa”

“Học kỹ từ vựng, nắm các thì cơ bản, nhớ làm đi làm lại những dạng đề như thế này nghe chưa” là lời dặn của một cô giáo dạy tiếng Anh ở Q.3, vọng ra từ phòng học thêm khoảng 15m2. Chỉ tám chiếc bàn, có bàn gỗ, có bàn nhựa, gần 15 em từ lớp 1 đến lớp 5 ngồi chung một phòng. Giờ học thêm ở lớp này từ 17h30 đến… lúc nào xong bài, phụ huynh đón thì về.

Thắng gấp phanh, nhướn người vào lớp học, người đàn ông trạc tứ tuần gọi: “Về Bơ ơi!”. Quay đầu xe, người này cười cười nhìn tôi rồi nói: “Con chị chưa ra à? Xưa giờ con tôi chỉ học Anh văn lớp cô này. Khi làm bài tập ở lớp thì bài tô đen bôi đỏ sai quá trời. Tôi cho con nghỉ, đi học cô tổ trưởng tổ Anh ở trường. Một bữa ôn chất lượng như này mất gần 200.000 đồng. Có tốn tiền bạc, thời gian, tôi cũng ráng đưa con đi “bùa” trước kỳ thi mới yên tâm”.

Đã hơn 9h tối, bên trong lớp học thêm vẫn còn một bé trai cặm cụi làm bài. Ngồi bên để theo dõi bé trai này là… chồng của cô giáo với chiếc điện thoại trên tay.

Cận kề thi học kỳ, nhộn nhịp đưa con đi bùa điểm - Ảnh 3.

Phòng ghi danh của một trung tâm dạy thêm ở Q.Tân Phú, TP.HCM vẫn mở cửa vào buổi tối – Ảnh: Thảo Thương

Gửi gắm

Không chỉ tăng tốc học thêm ở nhà chính thầy cô dạy con ở lớp, phụ huynh còn rộn ràng đưa con đến các trung tâm, các cơ sở bán trú những ngày cận kề của kỳ thi.

Chúng tôi đi đến một trung tâm ở Q.Tân Phú. Gần 6h tối, đứng quan sát, tôi thấy có ba mẹ con dừng xe trước cửa, một thầy giáo từ trong bước ra hỏi dồn: “Hôm qua làm kiểm tra ở lớp được mấy điểm con? Ráng hôm nay ôn để tuần sau thi cho được 10 nha con”. “Dạ, chỉ 8 điểm thầy ạ” – em học sinh nữ với chiếc áo có logo Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) vừa đáp vừa vẫy tay chào mẹ, rồi đi thẳng vào lớp học.

Từng lượt xe đến trước cửa trung tâm. Từng học sinh được đo thân nhiệt, kháng khuẩn vệ sinh tay rồi bước vào lớp học. Đoạn đường ngắn nhộn nhịp phụ huynh chở cặp xách ra vào, quay đầu. Đối diện với tòa nhà của trung tâm này là văn phòng ghi danh. 7h tối, phòng sáng đèn, nhân viên vẫn làm việc. Tôi bước vào ghi danh và hỏi nhân viên có nhận hai con để ôn đúng đề, đạt điểm cao?

“Nếu học lớp 4 thì 3 buổi/tuần, mỗi buổi tiếng rưỡi thì 520.000 đồng/tháng. Còn lớp 6 cũng như thế nhưng 780.000 đồng/tháng. Con chị chưa học thêm ở đâu, giờ ôn tập cho sát đề và hiệu quả thì hơi khó. Nhưng mà trung tâm dạy thêm này rất đông giáo viên, gần 100 thầy cô đến từ nhiều trường của TP. Nên con chị cứ đăng ký học, thi điểm cao thì không chắc nhưng có thể nhờ thầy cô dạy ở đây có quen biết gửi thầy cô trường con chị, kiểu gửi người thân, vệ tinh” – nhân viên vừa tư vấn vừa lấy bút đánh dấu thời gian trong thời khóa biểu nếu tôi cho con theo học.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft):

Hãy để con tự lực cánh sinh

Cha mẹ thường chú trọng điểm thi nhưng không hề biết quyết định vẫn là kiến thức, kỹ năng, hiểu biết trong con. Điểm số cao hay kết quả khá giỏi là điều phụ huynh mong đợi. Ngược lại, điều đó không có ý nghĩa với cuộc đời các con. Điều đáng nói là việc đưa con đi học “tăng tốc” không hề xuất phát từ nhu cầu ham học của trẻ mà là ý muốn của chính phụ huynh.

Hãy cho con tự lực cánh sinh, hãy để con học từ thất bại, dù đó là điểm zero hay 1. Trước mùa thi, cha mẹ lo lắng quá lố hay lơ là đều không tốt. Cũng không vì điểm thi thấp mà la mắng con, hãy giúp con suy nghĩ về điểm số, tìm ra giải pháp, học tập bị vướng nội dung nào, để con đạt kết quả cao hơn cho những lần thi về sau.

Gửi hai tuần thấy điểm số tốt hơn

Hơn 7h, trong bộ áo đồng phục của công ty may, chị P.T.X., có con học ở Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12), đến cơ sở bán trú đón con. Chị tâm sự: “Công nhân đi làm cả ngày, mà con chỉ học 1 buổi/ngày, buộc lòng tôi phải gửi bán trú để ăn trưa. Đi làm về là ghé đón nhưng đang giai đoạn ôn thi nên tôi gửi luôn buổi tối cho các cô ở đây kèm. Tôi chỉ gửi hai tuần thôi. Năm nào cũng như thế, điểm số của con thấy tốt hơn”.

Đừng chạy đua vì điểm số

Việc tăng tốc học thêm, việc “bùa” điểm cho con trước ngày thi là chuyện không mới, nhìn nhận thực trạng này, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nói hoàn toàn không nên.

“Trước mỗi kỳ kiểm tra, giáo viên thường khoanh cho học sinh những vùng ôn tập trọng tâm. Bám sát chương trình trọng tâm, cộng với sự linh hoạt, năng lực từng em, các em có thể làm được bài. Xuất phát từ nhu cầu khiến phụ huynh phải ráo riết tăng tốc cho con đi học thêm với tâm lý là ôn để đúng đề, làm đúng đáp án. Như thế là chạy đua vì điểm số, chứ lâu dài không hiệu quả” – vị này nói.

buadiemảnh 1 1(read-only)

Phụ huynh đưa con đến học thêm, tăng cường ôn tập tại một trung tâm ở Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: Thảo Thương

Về giải pháp để ngăn chặn thực trạng trên, vị lãnh đạo này thừa nhận rất khó. Ông nói: “Riêng giáo viên vẫn được dạy thêm như lâu nay với điều kiện tuân thủ những quy định của ngành giáo dục và đào tạo. Nhưng dạy cái gì, có liên quan với đề kiểm tra hay không rất khó kiểm soát. Hơn nữa, phụ huynh học sinh có nhu cầu và tự nguyện. Nếu có thể thì thay đổi hình thức kiểm tra thi cử nhưng hiện tại vẫn chưa có phương án…”.

THẢO THƯƠNG
TTO