27/12/2024

Không kỳ vọng, không ảo tưởng

Không kỳ vọng, không ảo tưởng

Sau khi cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden được hội nghị các đại cử tri chính thức bầu làm tổng thống thứ 46 của đất nước này, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới lên tiếng chúc mừng ông Biden.
Ảnh tư liệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 3.10.2011 tại Moscow /// Reuters
Ảnh tư liệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 3.10.2011 tại Moscow   REUTERS
Mức độ muộn màng của động thái ngoại giao vốn rất hình thức này báo hiệu phía trước là thời kỳ đầy khó khăn và phức tạp cho mối quan hệ hai nước.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ – Nga không được thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng cũng không đến nỗi xấu đi nghiêm trọng. Nga nói chung và cá nhân ông Putin luôn là chủ đề tế nhị và nhạy cảm về chính trị đối nội ở nước Mỹ. Dù vậy, về cơ bản thì ông Trump không “làm găng” với Moscow, khác biệt rất xa so với mức độ đối đầu quyết liệt Mỹ – Trung.
Nga nói chung và ông Putin nói riêng có nhiều lý do để không kỳ vọng vào khả năng cặp quan hệ với Mỹ được khởi động lại hay cải thiện rõ nét khi ông Biden trở thành tổng thống. Suốt 8 năm ông Biden làm phó tổng thống Mỹ và cả đến nay, ông Biden nhiều lần công khai nhìn nhận Nga là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ. Nên phía Nga có thể dự liệu việc xử lý mối quan hệ với Moscow không nằm trong ưu tiên của ông Biden khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Với ông Biden, mối bận tâm có thể là xử lý quan hệ với Trung Quốc và với các đồng minh ở NATO. Nhiều khả năng, Moscow sẽ bị ông Biden gây khó dễ nhiều về dân chủ nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga, rồi các vấn đề Ukraine và Belarus. Dưới thời ông Biden, hai bên chỉ có thể hợp tác về vấn đề hạt nhân của Iran.
PHẠM LỮ
TNO