Khởi nghiệp mô hình spin-off: Vì sao Việt Nam vẫn gặp khó?
Khởi nghiệp mô hình spin-off: Vì sao Việt Nam vẫn gặp khó?
Trong khi nhiều nước đưa ra chính sách để thúc đẩy phát triển mô hình spin-off thì tại Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và đầu tư với mô hình này gặp không ít khó khăn.
Nhiều mô hình sáng tạo các nước
Với mục tiêu xây dựng các chùm đổi mới mà hạt nhân là các doanh nghiệp spin-off, Canada đã thành lập các trung tâm công nghiệp vùng. Trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp đổi mới, với nền tảng công nghệ tương lai như công nghệ vi sinh, công nghệ gen kết hợp công nghệ truyền thống như công nghệ ôtô với các trung tâm nghiên cứu lớn tại Windsor, với các chi nhánh lớn tại Michigan, London, Ontario.
Chính phủ nước này đã giao cho Hội đồng Nghiên cứu quốc gia, từ năm 1995, thành lập các công ty công nghệ mới trên cơ sở nguồn lực trí tuệ, công nghệ và tri thức sẵn có trong nước. Từ năm 1995 đến 2000, Hội đồng Nghiên cứu quốc gia đã thành lập mới 400 công ty công nghệ, có 40 công ty thuộc loại spin-off.
Đến nay Canada có khoảng 150 doanh nghiệp spin-off từ các phòng thí nghiệm quốc gia, trong đó có 110 doanh nghiệp do Hội đồng Nghiên cứu quốc gia gây dựng; 800 doanh nghiệp spin-off từ các trường đại học. Doanh thu hằng năm khoảng 250 tỉ USD và tạo 12.000 việc làm.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ban hành nhiều văn bản luật và dưới luật để thể chế hóa và tạo các đòn bẩy khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp đổi mới. Đơn cử như chế độ đối xử đặc biệt về thuế, những chi phí cho R&D và kinh phí hỗ trợ từ những nguồn tự có nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ.
Ngoài ra là các đòn bẩy tài chính, thuế như ưu đãi đặc biệt tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân, sẵn sàng cấp 90% vốn để nghiên cứu cơ bản, vay vốn lãi suất ưu tiên 7%/năm và nếu thất bại không phải trả lãi; ưu tiên giảm thuế 25% với doanh nghiệp có nghiên cứu, đưa sản phẩm mới ra thị trường…
Hỗ trợ chưa trúng – đúng cái DN cần
Tại Việt Nam, theo một chia sẻ của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất linh kiện cho ngành điện tử, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay không trúng, không hỗ trợ đúng cái doanh nghiệp cần.
Đơn cử, doanh nghiệp spin-off thường không có nhiều vốn, không có tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng. Nguồn vốn eo hẹp trong khi nhu cầu đầu tư lớn, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vốn là nền tảng cốt lõi của các spin-off.
Hiện nay đã có một số quỹ hỗ trợ đổi mới khoa học – công nghệ, quỹ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng việc tiếp cận rất khó khăn, thủ tục phức tạp.
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), do đây là mô hình khá mới mẻ, cộng thêm những hạn chế trong chính sách nên hiện nay mô hình này chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.
Thêm vào đó, nền tảng khoa học và công nghệ còn ở mức thấp nên chủ yếu các doanh nghiệp spin-off ở Việt Nam hiện nay đều được tách ra từ đội ngũ nhân lực có trình độ cao, học hỏi được công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sau hàng chục năm lao động tại các công ty này.
Lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá việc phát triển theo mô hình spin-off mang lại lợi thế về mặt công nghệ và thị trường.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo, các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa nên không có đủ nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động R&D, mua sắm máy móc thiết bị chế tạo thử nghiệm sản phẩm.
Do đó, những doanh nghiệp phát triển theo mô hình spin-off giải quyết được bài toán về đầu tư hoạt động R&D trên cơ sở nhận được sự chuyển giao công nghệ từ các công ty FDI.
Chính các công ty FDI này có thể tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp này, hướng tới mục tiêu đáp ứng các tiêu chí, trở thành nhà cung ứng, từ đó gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.