28/12/2024

Sụt giảm hàng nghìn tỉ USD, thị trường du lịch ước mất 4 năm để hồi phục

Sụt giảm hàng nghìn tỉ USD, thị trường du lịch ước mất 4 năm để hồi phục

Trong sáu tháng đầu năm, thiệt hại từ du lịch toàn cầu ước khoảng 1.000 tỉ USD, mức giảm doanh thu gấp 5 lần mức ghi nhận vào giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
2020 là 1 năm "kinh hoàng" đối với ngành du lịch /// Ảnh: Bá Duy
2020 là 1 năm “kinh hoàng” đối với ngành du lịch ẢNH: BÁ DUY
Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố báo cáo khảo sát thị trường du lịch và vận tải Việt Nam sau 1 năm đầy biến động.
Trong đó, có kết quả đáng chú ý khi khảo sát về hành vi của khách du lịch sau khi có đại dịch Covid-19, kết quả chỉ ra: Chỉ có gần 6% (bao gồm đồng ý và rất đồng ý) người được hỏi cho biết họ sẽ đi du lịch nhiều hơn; 24,8% người lựa chọn sẽ đi du lịch giống như trước khi có dịch bùng phát và có đến trên 67,3% người nhận định họ đi du lịch ít hơn.
Các doanh nghiệp du lịch cũng lo ngại bên cạnh những thách thức đã có từ lâu của ngành du lịch Việt Nam như cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn; chất lượng sản phẩm dịch vụ và chương trình quảng bá chưa có nhiều đột phá, nổi bật; nguồn nhân lực được đào tạo bài bản còn thấp… một thách thức mà doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt đó là nhu cầu du lịch sụt giảm.
Trước đó, theo ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới, trong sáu tháng đầu năm, ngành du lịch thế giới suy giảm khoảng 70%, thiệt hại từ du lịch quốc tế (xuất khẩu) toàn cầu ước khoảng 1.000 tỉ USD. Mức giảm doanh thu của ngành du lịch gấp 5 lần mức ghi nhận vào năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tại Việt Nam, thị trường quốc tế đã “đóng băng” từ tháng 3 cho đến nay và chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, đại dịch Covid-19 sẽ làm khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019; khách nội địa giảm 50%; khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%; ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỉ USD.
Với tất cả những dữ liệu trên, UNWTO dự đoán việc phục hồi của ngành du lịch về mức trước khủng hoảng dự kiến sẽ mất tới 4 năm. 60% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cũng cho rằng sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ cần từ 13 đến 18 tháng để phục hồi, bên cạnh 20% doanh nghiệp lạc quan hơn, chỉ cần từ 7 đến 12 tháng để có thể phục hồi tình hình kinh doanh như trước.
Sụt giảm hàng nghìn tỉ USD, thị trường du lịch ước mất 4 năm để hồi phục - ảnh 1
Sự lao dốc của ngành du lịch cũng kéo theo những đổ gãy nghiêm trọng đối với ngành vận tải hành khách.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo tình hình hàng không thế giới năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021. Việc các hãng hàng không cắt giảm chi phí cùng với nhu cầu gia tăng trong năm 2021 (do mở cửa trở lại biên giới và thử nghiệm và/hoặc sự sẵn có phổ biến của vắc xin) được kỳ vọng sẽ đưa dòng tiền dương trở lại vào quý 4 năm 2021. Trên thực tế, các hãng hàng không đã có dấu hiệu phục hồi vào đầu quý 4/2020 mặc dù sự phục hồi này còn khá yếu ớt.
Tuy nhiên, phục hồi kinh tế chủ yếu thúc đẩy vận tải hàng hóa qua đường hàng không chứ không phải vận tải hành khách. Hành khách quốc tế thường chiếm tỷ lệ đáng kể trong số hành khách nội địa do đó tình hình các chuyến bay quốc tế chậm phục hồi cũng ảnh hưởng đến việc phục hồi lượng hành khách nội địa. Thêm vào đó, những nỗ lực kích cầu bằng việc đưa ra các chính sách ưu đãi của các hãng hàng không cũng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, và sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào tâm lý hành khách nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Tóm lại, không chỉ riêng vận tải hàng không mà hoạt động vận tải hành khách nói chung sẽ cần từ 3 – 5 năm để có thể phục hồi như trước đại dịch.
HÀ MAI
TNO