Khi đám tang người nổi tiếng trở thành nơi câu like, câu view
Khi đám tang người nổi tiếng trở thành nơi câu like, câu view
Từ sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài, chiều 9-12, các YouTuber có mặt và trực chiến đến khuya, gây náo loạn, phản cảm tại Trung tâm pháp y TP.HCM (đường Trần Phú, quận 5, TP.HCM) khi hay tin nghệ sĩ quá cố được đưa về nhà đại thể.
Đây là hiện tượng xấu xí, không thể chấp nhận được của những người hiếu kỳ, lực lượng Facebooker, YouTuber… Cũng may, lễ tang diễn ra sau đó đã được sắp xếp chu đáo, không có cảnh ồn áo náo động của đội ngũ Facebooker, YouTuber…, thậm chí nhà báo cũng hạn chế tác nghiệp.
Tuổi Trẻ trao đổi với TS DƯƠNG HOÀNG LỘC – giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo và đạo đức (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) – về ứng xử cần có trước người mất. Trước tiên, TS Lộc phân tích về sự biến tướng của những người đến đám tang nghệ sĩ livestream, chụp hình câu view, câu like nói trên:
Ngày nay, một hiện tượng xã hội cần quan tâm điều chỉnh là ngày càng xuất hiện nhiều Facebooker, YouTuber câu view, câu like trên mạng xã hội… Các bài viết, hình ảnh, video những đối tượng này đăng tải mang nội dung phản cảm hoặc liên quan người của công chúng, giật gân các kiểu nhằm thỏa mãn trí tò mò bằng nhiều cách thức của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội.
Vì thế, đám tang của người nổi tiếng, nhất là nghệ sĩ, diễn viên, là một cơ hội để một số YouTuber thu hút lượng người xem từ vài ngàn đến vài chục ngàn, gia tăng tốc độ lan truyền. Nhờ đó mà họ có được một khoản tiền thu nhập, nhanh chóng nổi tiếng trên cộng đồng mạng.
* Thưa ông, trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, việc thăm viếng, chia sẻ với người khuất và thân nhân họ ra sao?
– Các cụ có câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Vì vậy, khi đến viếng tang cần có thái độ văn hóa từ trang phục cho đến cách giao tiếp, hướng tinh thần cùng chia sẻ nỗi buồn đối với thân nhân người quá cố…
Cho nên, cần tránh việc gây ồn ào, ăn nói lớn tiếng hay ăn mặc lòe loẹt làm ảnh hưởng không tốt đến tang ma, gây khó chịu cho gia đình đang có tang hoặc những người đến viếng. Theo tôi, đây là những điều cơ bản khi viếng tang, chia sẻ với thân nhân của người vừa qua đời.
Vì vậy, với những ồn ào nơi đám tang của người nổi tiếng do đội ngũ YouTuber tạo ra là điều trái với văn hóa truyền thống, đáng phê phán.
* Theo ông, với hiện tượng xấu xí như biểu hiện ở các đám tang nghệ sĩ nổi tiếng cho thấy điều gì từ văn hóa, đạo đức của con người – khi họ chỉ nghĩ đến việc câu like, thậm chí có một nghệ sĩ còn livestream cận cảnh thi hài người mất?
– Tôi nghĩ đây là điều không đúng, thiếu ý thức, gây ảnh hưởng không tốt đến không khí tang lễ vốn rất cần sự tôn nghiêm và trang trọng, ảnh hưởng đến thân nhân lẫn người viếng tang.
Những hình ảnh cười đùa rôm rả, nét mặt tươi rói, chen lấn hay vây quanh các nghệ sĩ đến chia buồn hoàn toàn không phù hợp với ứng xử tang ma, gây cản trở công tác tổ chức tang lễ. Đồng thời, xã hội nói chung và cộng đồng mạng nói riêng ngày càng phổ biến điều này là điều không nên, tạo ra thói quen không tốt.
Theo tôi, cần có thêm nhiều ý kiến từ giới chuyên gia, các nhà quản lý thuộc lĩnh vực văn hóa, truyền thông để định hướng cho xã hội cũng như các hướng giải pháp hiệu quả trên phương diện pháp lý, dư luận xã hội để dần loại bỏ các hành vi phản cảm này. Qua đó góp phần xây dựng lối sống văn hóa, nâng cao đạo đức con người trong xã hội hiện nay.
* Ứng xử đẹp, cần có trước người mất cùng thân nhân họ là gì? Tiến sĩ có lời khuyên nào cho văn hóa này?
– Cá nhân tôi nghĩ rằng điều cần có trước người mất cùng thân nhân họ là cái tâm của người viếng, đó là những lời chia sẻ, đồng cảm và những động viên để thân nhân người mất lo chu toàn đám tang, vượt qua nỗi đau buồn.