29/12/2024

Trung Quốc cho vay ở châu Phi: Bình mới rượu cũ

Trung Quốc cho vay ở châu Phi: Bình mới rượu cũ

Đối mặt với các chỉ trích ‘ngoại giao bẫy nợ’, Bắc Kinh chuyển sang khuyến khích các công ty đầu tư vào châu Phi theo hình thức đối tác công – tư. Bên cho vay và bảo hiểm cho vay vẫn là các ngân hàng, công ty Trung Quốc.

 

Trung Quốc cho vay ở châu Phi: Bình mới rượu cũ - Ảnh 1.

Một đường cao tốc dẫn tới thủ đô Nairobi của Kenya do công ty Trung Quốc xây – Ảnh: AP

Đường cao tốc 4 làn đường trên cao tại thủ đo Nairobi của Kenya là một trong những dự án mới nhất của Trung Quốc tại nước này. Được xây dựng bởi Tổng công ty cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, con đường dài 27km và trị giá 600 triệu USD được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe tại Nairobi.

Tổng công ty cầu đường Trung Quốc sẽ thu hồi vốn bằng việc thu phí sử dụng đường cao tốc trong vòng 27 năm. Việc chuyển đổi hình thức sang đầu tư đối tác công tư (PPP) dường như là một sự miễn cưỡng bởi Bắc Kinh từ lâu chỉ thích mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước.

Hồi năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các công ty tư nhân Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn ở châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi và “đầu tư ít nhất 10 tỉ USD vào châu Phi trong 3 năm tới”.

Được sự khuyến khích của nhà lãnh đạo cao nhất và sự bảo đảm từ các ngân hàng trong nước, các công ty Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các dự án PPP ở châu Phi.

Họ tham gia vào các tuyến đường thu phí ở Mozambique và Uganda, nhảy vào các nhà máy nhiệt điện than ở Zimbabwe hay dự án thủy điện ở Zambia. Tại Nigeria, các ngân hàng Trung Quốc và Sinosure đang tài trợ cho một đường ống dẫn khí đốt trị giá 2,8 tỉ USD do các tập đoàn của Nigeria và Trung Quốc xây dựng.

Có nhiều hình thức thu hồi vốn khác nhau trong PPP, chẳng hạn chủ đầu tư sẽ giữ cổ phần trong công ty khai thác. Nhưng theo báo South China Morning Post (SCMP), dù là hình thức gì bản chất vẫn là cho vay.

Nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tất cả các khoản nợ mà nhà nước châu Phi đã vay của công ty Trung Quốc sẽ do chính người dân của họ chi trả. Điều này có thể góp phần giảm thâm hụt ngân sách, bớt áp lực trả nợ cho các nhà nước đang ngập trong nợ Trung Quốc và uy tín quá tệ không thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Theo SCMP, mặc dù trên danh nghĩa là chuyện làm ăn giữa các nhà nước châu Phi với công ty Trung Quốc, bên đứng ra bảo lãnh và giải ngân vẫn là các ngân hàng Trung Quốc. Tổng công ty Bảo hiểm Tín dụng và xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure) thuộc nhà nước là cái tên quen thuộc trong các dự án tại châu Phi.

Trung Quốc cho vay ở châu Phi: Bình mới rượu cũ - Ảnh 2.

Dự án đường cao tốc trên cao ở thủ đô Nairobi do Tổng công ty cầu đường Trung Quốc đầu tư và thu phí trong 27 năm – Ảnh chụp màn hình

Giải quyết tình trạng dư thừa trong nước

Ông Zhou Yuyuan, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tây Á và châu Phi (Trung Quốc), nhận xét hình thức PPP sẽ buộc các công ty Trung Quốc có trách nhiệm hơn với những dự án tại châu Phi. Hình thức này cũng giúp các nước lục địa đen có thêm cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Chuyên gia Bradley Parks (Mỹ) lại nêu ra một nhận định khác. Ông chỉ ra tình trạng dư thừa sắt, thép, ximăng và nhôm ở Trung Quốc là động lực chính khiến Bắc Kinh phải chuyển sang hình thức PPP.

Theo ông Parks, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên các nước châu Phi chậm trả nợ sẽ khó nhận thêm khoản vay từ Bắc Kinh. Do đó, nếu là một công ty Trung Quốc đứng ra vay cho một dự án đầu tư ở nước ngoài, các ngân hàng Trung Quốc thường cảm thấy an tâm hơn.

“Chính quyền Bắc Kinh hiểu rõ nếu các công ty này không tìm được người mua các sản phẩm công nghiệp dư thừa, họ có nhiều khả năng bị vỡ nợ và đóng cửa các nhà máy của mình. Tỉ lệ thất nghiệp khi đó sẽ còn cao hơn nữa”, ông Parks lý giải.

Ông Gyude Moore, một chuyên gia chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington, cho biết các công ty Trung Quốc chỉ thích “tiền tươi thóc thật” hơn là cổ phần trong dự án.

Với những nước như Angola, Zimbabwe, Cộng hòa dân chủ Congo và Cộng hòa Congo, tiền nợ Trung Quốc được trả bằng quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

BẢO DUY
TTO