24/11/2024

Phụ huynh, học sinh lên mạng tìm kiếm lời giải nào nhiều nhất trong năm 2020?

Phụ huynh, học sinh lên mạng tìm kiếm lời giải nào nhiều nhất trong năm 2020?

‘Dương xỉ sinh sản như thế nào, trùng roi di chuyển như thế nào?’ là một trong nhiều câu hỏi có liên quan về học tập được phụ huynh lên mạng tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2020.
Theo thống kê những từ khoá liên quan đến học tập được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2020 /// Độc Lập
Theo thống kê những từ khoá liên quan đến học tập được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2020 ĐỘC LẬP

Những câu hỏi tưởng dễ mà không dễ

Theo thống kê từ Google, trong năm 2020 vừa qua, giãn cách xã hội tại nhà do dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cách người Việt sinh hoạt. Vấn đề học tập và làm việc, tạo ra xu hướng “lên mạng” được định hình rõ nét trong năm nay. 4/10 nội dung trong danh sách 10 xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất 2020 cũng như dẫn đầu “top” 10 hoạt động trực tuyến đều liên quan học trực tuyến.
Các trường triển khai các công cụ quản lý học trực tuyến như Smas, OLM, VNEdu, Google Classroom, hay tạo buổi học video tương tác qua Zoom.
Phụ huynh, học sinh lên mạng tìm kiếm lời giải nào nhiều nhất trong năm 2020? - ảnh 1

4/10 nội dung trong danh sách 10 xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất 2020 cũng như dẫn đầu “top” 10 hoạt động trực tuyến đều liên quan học trực tuyến ĐẬU TIẾN ĐẠT

Cũng theo Google, khi hàng chục triệu học sinh phải học tại nhà do dịch Covid -19, nhiều phụ huynh đã rơi vào cảnh đau đầu khi phải là người giúp con giải các bài tập sách giáo khoa tưởng dễ mà lại không hề dễ. “Gấu đi như thế nào”, câu hỏi trong phần luyện từ và câu mở rộng vốn từ của sách tiếng Việt lớp 2 là một trong những câu hỏi làm khó các bậc phụ huynh nhiều nhất trong năm 2020. Bên cạnh tiếng Việt lớp 2, sinh học lớp 6 và 7 với “Dương xỉ sinh sản như thế nào” hay “Trùng roi/ trùng giày di chuyển như thế nào” cũng là những bài tập khiến các em học sinh và phụ huynh phải nhờ đến Google khi không thể hỏi trực tiếp giáo viên như bình thường.

Thay đổi thói quen sử dụng mạng 

Ngô Khánh Linh, sinh viên năm nhất Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ năm học vừa rồi học sinh bị ảnh hưởng nặng nề, bị nghỉ học và chuyển đổi hình thức từ học trực tiếp ở trường đến trực tuyến ở nhà. Bình thường, cách học của Linh là vừa học vừa giải trí, những môn học khó hiểu trên lớp có thể đợi lần sau hỏi lại giáo viên. Tuy vậy, khi triển khai mô hình học trực tuyến, Linh phải thay đổi để thích ứng hơn với điều kiện hiện tại.
“Tôi cố bám sát kiến thức cơ bản rồi làm bài nâng cao. Ngày xưa bí quá thì hỏi bạn bè, còn lúc học tôi mở trang tìm kiếm nhiều hơn. Trên đó có mọi đáp án bài tập mà tôi muốn tìm hiểu. Tôi thường tìm những bài giải toán nâng cao hay những kiến thức xã hội mà ở lớp thầy cô không giải đáp được”, Linh nói.
Tuy vậy, Linh cũng thừa nhận, việc lên mạng nhiều đôi lúc làm mình bị sao nhãng, khó hiểu bài hơn nếu được giáo viên hướng dẫn. Ngoài ra, Linh hay lướt những thứ khác trong tầm mắt, phải cố gắng lắm Linh mới thoát ra được những thứ thu hút mình để tập trung vào học.
Có 2 người con học ở Trường tiểu học Bình Trưng Đông (Q.2, TP.HCM), chị Hà Hương Lan thừa nhận đôi lần bị “đau đầu” vì phải lên mạng thường xuyên để tìm thông tin giải đáp thắc mắc cho con trẻ. Chị Lan cho hay, con đang học lớp 1 thường hỏi về những điều mà cô không dạy ở trường như: “Triết học là gì? Vòng tròn âm dương là gì?”. Đây là những định nghĩa khó mà người lớn không biết giải thích ra sao và buộc phải lên mạng để tìm thông tin. Con đang học lớp 5 do học kém môn toán nên khi học bài ở nhà, bé thường hỏi về môn này. Tuy nhiên, kiến thức toán học bây giờ có chút khác xưa, cách dạy của cô cũng khác nếu dạy bé theo cách hiểu của cha mẹ thì bé sẽ cho rằng bố mẹ dạy sai. Do đó, chị Lan cho biết phải lên mạng tìm, đọc lại kiến thức mới, đọc lại các bài giải toán mà các phụ huynh khác chia sẻ sau đó chỉ lại cho bé theo kiểu mà bé được học.
Phụ huynh, học sinh lên mạng tìm kiếm lời giải nào nhiều nhất trong năm 2020? - ảnh 2

Nhiều thói quen lên mạng thay đổi sau khi xảy ra dịch  ĐẬU TIẾN ĐẠT

“Trong dịch được nghỉ ở nhà,  bạn nhỏ được tiếp cận với máy tính nhiều hơn. Đến sau dịch các bạn nhỏ lại thích lên mạng hơn.Tôi phải dạy thêm cho con cách tạo tài khoản email, cách gửi email, học vẽ qua YouTube và học tiếng Anh trên ứng dụng”, chị Lan chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Hoàng Trung, giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 (H.Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết khi dạy trực tuyến nhận thấy có nhiều bất cập như không thể kiểm tra được học sinh có học hay không. Cho các em làm bài kiểm tra nhỏ để đánh giá mức độ lĩnh hội kiến thức, nhận thấy các em làm bài rất tốt bất thường, tốt hơn dạy trực tiếp trên lớp. Nhiều phụ huynh ở vùng sâu không có mạng để con học tập hay hộ nghèo không có điện thoại để cho con học mùa dịch.
Ngay khi áp dụng việc học trực tuyến, các giáo viên tìm nhiều cách xoay sở, lên mạng nhiều hơn. Nếu nhà học sinh khó khăn sẽ chuyển và gửi qua bằng ứng dụng nhắn tin điện tử. Thầy Trung cũng tự mình học được cách quay, dựng và đăng tải clip dạy học trên nền tảng mạng xã hội. Nhờ vậy việc tiếp cận mạng xã hội được tốt hơn. Những nền tảng bài giảng có sẵn từ mùa dịch Covid-19 giúp thầy Trung sau này có lên mạng tiết kiệm được thời gian của mình.
DẠ THẢO
TNO