29/12/2024

FTA Việt Nam – Anh: Doanh nghiệp Việt bớt 3.500 tỉ tiền thuế/năm

FTA Việt Nam – Anh: Doanh nghiệp Việt bớt 3.500 tỉ tiền thuế/năm

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được công bố kết thúc đàm phán. Lại thêm một hiệp định mới, tại sao lại cần hiệp định này và lợi ích cụ thể là gì?

 

FTA Việt Nam - Anh: Doanh nghiệp Việt bớt 3.500 tỉ tiền thuế/năm - Ảnh 1.

Với UKVFTA, gạo sản xuất ở Việt Nam sẽ có thêm lợi thế trước gạo Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ – Ảnh: CHÍ QUỐC

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tuấn Anh – bộ trưởng Bộ Công thương – cho hay: “Dư địa tăng trưởng tại thị trường Anh cho hàng Việt Nam còn rất lớn vì các sản phẩm xuất khẩu mới chỉ chiếm gần 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD (năm 2019) của nước này”.

Thêm thuận lợi từ một thị trường lớn

* Các doanh nghiệp và người dân muốn biết cụ thể họ sẽ được lợi gì, ví dụ tiền thuế được giảm là bao nhiêu, để kích thích sản xuất trong nước, bộ trưởng có thể chia sẻ gì?

– UKVFTA vừa được hoàn tất đàm phán, ký kết có ý nghĩa lớn đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc.

Với các cam kết mở cửa thị trường, cộng thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu vào Anh. Theo tính toán thì giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỉ đồng/năm, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch.

Dẫn chứng thực tế từ đại dịch COVID-19 vừa qua, dù kim ngạch xuất khẩu chung vào Anh giảm, nhưng nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế… của thị trường Anh có xu hướng gia tăng. Do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh.

* Lý do nào để ông kỳ vọng UKVFTA mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam?

– Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh thực tế đã phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhiều sản phẩm Việt Nam, thể hiện qua mức xuất siêu khoảng 5 tỉ USD/năm. Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Anh mang tính chất bổ sung. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. Điều này cho thấy trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.

Do đó, UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới, trước hết là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Bởi sau 6 năm có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Anh cũng cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế 0% cho 10 mặt hàng như trứng gia cầm, ngô, gạo, tinh bột sắn, cá ngừ, đường, nấm…

FTA Việt Nam - Anh: Doanh nghiệp Việt bớt 3.500 tỉ tiền thuế/năm - Ảnh 2.

 

Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh thực tế đã phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhiều sản phẩm Việt Nam, thể hiện qua mức xuất siêu của Việt Nam khoảng 5 tỉ USD/năm.

Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH

Gạo, dệt may… sẽ hưởng lợi

* Vậy những ngành hàng nào sẽ được hưởng lợi trực tiếp, thưa ông?

– Các ngành hàng được hưởng lợi lớn trước hết là thủy sản khi Anh là nước nhập khẩu nhiều thủy sản nhất trong EU. Trong đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng chủ đạo tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm sẽ có nhiều lợi thế. Đơn cử, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào Anh giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Với dệt may, xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu nên còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch. Cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và EU sẽ giúp các sản phẩm dệt may thúc đẩy mở rộng nguồn cung nguyên liệu trong ngành này để tận hưởng ưu đãi, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Với mặt hàng gạo có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế hơn các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Ngành gỗ cũng được hưởng thuế suất về 0% trong vòng 5 năm, so với mức thuế suất gỗ nguyên liệu hiện nay là 2-10%, nên sẽ có sự cạnh tranh lớn. UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… thì với nhu cầu nhập khẩu lớn, sẽ giúp tăng kim ngạch.

* Như ông phân tích rằng có rất nhiều cơ hội, nhưng thách thức đặt ra cho chúng ta là gì khi thị trường mở cửa?

– Theo cam kết, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi UKVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đó, sau 6 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ Anh được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 9 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu.

Do đó, với những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định, đặc biệt là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…

Tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất cao. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong EVFTA nhưng các ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả… cần cải thiện tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản và chất lượng sản phẩm thì mới có thể chinh phục được thị trường khó tính này.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Cần lưu ý rằng, với những cam kết về dịch vụ – đầu tư, mua sắm Chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Anh tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Anh trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và năng lượng sạch.

Bên cạnh đó là cơ hội cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hóa.

* Ông Trương Đình Hòe (tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN – VASEP):

Kỳ vọng lớn, Bộ Công thương cần hướng dẫn chi tiết

 

3756628 truong dinh hoe (read-only)

Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sang Anh sẽ tăng mạnh sau Covid-19 bởi với cam kết của UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản vào Anh sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Các thống kê từ VASEP cho thấy, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản sang Anh, tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ đạo đều tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ, các loại cá biển khác và cua ghẹ cũng tăng lần lượt 6%, 101% và 55%. Anh cũng tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm chế biến và đông lạnh như tôm chân trắng chế biến tăng 33%, tôm sú chế biến tăng 456%, cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biển philê đông lạnh tăng 127%…

Thị trường Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (tương đương với giá trị xuất khẩu sang thị trường ASEAN). Hiện doanh nghiệp vẫn đang được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến hết 31-12-2020. Do đó, việc sớm đi đến kết thúc đàm phán hiệp định giúp giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc không bị gián đoạn.

Bộ Công thương cũng nên sớm có những hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ cũng như có thông tin cụ thể về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Anh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu để sản phẩm được người tiêu dùng tại Anh biết đến rộng rãi hơn.

NGỌC AN thực hiện
TTO