29/12/2024

Cá tra Việt ‘gặp nạn’ vì Trung Quốc siết kiểm dịch ngừa Covid-19

Cá tra Việt ‘gặp nạn’ vì Trung Quốc siết kiểm dịch ngừa Covid-19

Không còn là cảnh báo nữa, một số nhà xuất khẩu thủy sản sangTrung Quốc phản ánh, hàng xuất sang Trung Quốc đã bị nghẽn tại cửa khẩu đường bộ, do Trung Quốc chính thức “siết” kiểm soát hàng lạnh nhập bằng đường bộ.
Giá thu mua nguyên liệu cá tra lại tiếp tục giảm do đường xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục gập ghềnh /// Ảnh: Công Hân
Giá thu mua nguyên liệu cá tra lại tiếp tục giảm do đường xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục gập ghềnh ẢNH: CÔNG HÂN
Sau khi siết hàng lạnh nhập khẩu bằng đường thủy và đường hàng không, Trung Quốc thực thi chính sách kiểm nghiệm dịch Covid-19 với hàng đường bộ. Thông tin từ Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), hai mặt hàng của Việt Nam là thanh long và container lạnh (hàng thủy sản) xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ bị kiểm nghiệm và xe chở hàng phải thực hiện khử trùng từng kiện, theo yêu cầu phía Trung Quốc.
Đáng lưu ý, việc khử trùng này do một công ty của Trung Quốc thực hiện và doanh nghiệp xuất khẩu phía Việt Nam phải chịu chi phí này. Phí khử trùng cho mỗi container được tính là 950 nhân dân tệ. Phía Trung Quốc nhấn mạnh, nếu chưa được lệnh khử trùng từ phía cơ quan hải quan mà vào đến bãi mới khử trùng thì trước khi khử trùng không được phép mở container. Sau khi khử trùng tiêu độc sẽ được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp lô hàng không có chứng nhận tiêu độc thì không được phép tiêu thụ ngoài thị trường.
Thông tin từ các doanh nghiệp, việc kiểm nghiệm này đã kéo dài thời gian thông quan khiến hàng của họ bị nghẽn lại, mất thời gian gấp 3 lần so với kế hoạch. Theo đó, các loại chi phí kiểm hàng, chi phí lưu bãi đội lên rất nhiều, hậu quả là hai mặt hàng thanh long và cá tra sang Trung Quốc đang gặp khó.
Ngày 14.12, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Minh Thiện – Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, chuyên xuất khẩu cá tra chế biến cho hay, vì lo ngại Covid-19, Trung Quốc mở rộng việc kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh trở lại khiến cá tra “bơi” vào thị trường này gặp khó. Ước tính sản lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (bằng nhiều đường: chính ngạch, tiểu ngạch…) chiếm gần 40% tổng sản lượng xuất khẩu cá tra. Từ tháng 8, xuất khẩu cá tra mới phục hồi nhẹ và tăng liên tiếp tại thị trường Trung Quốc – Hồng Kông, đẩy giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh. Trong tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 80 triệu USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Giá mua nguyên liệu theo phản ánh của doanh nghiệp đã vọt lên 22.000 – 23.000 đồng/kg. Thế nhưng, trong nửa tháng qua, đặc biệt sau khi Trung Quốc siết kiểm tra nhập khẩu cá tra đông lạnh từ Việt Nam vào, giá cá nguyên liệu giảm mạnh, về dưới mốc 20.000 đồng/kg, giao dịch phổ biến quanh mức 18.000 – 19.000 đồng/kg.
Trước đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có khuyến cáo doanh nghiệp không nên quá nôn nóng sợ hàng bị “kẹt” tại cảng, vội chào bán sang thị trường Trung Quốc giá thấp, hạ giá cá nguyên liệu gây ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi phía Trung Quốc tăng cường siết hàng nhập đông lạnh vào nước này.
Từ ngày 10.11, Trung Quốc đã áp dụng chế độ kiểm soát, xông khử trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn tại quốc gia này như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo… Quá trình thực hiện việc lấy mẫu, trả mẫu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kéo dài khiến lượng hàng hóa lớn bị ách tại cảng. Mới đây, ngày 10.12, Trung Quốc lại tiếp tục thông báo áp chế độ kiểm soát các lô hàng thanh long và thủy sản đông lạnh của Việt Nam nhập qua Trung Quốc qua đường Lạng Sơn.
LAM NGHI
TNO