28/12/2024

Đại dịch COVID-19 đẩy lùi tiến bộ trong giảm nghèo ở châu Á

Đại dịch COVID-19 đẩy lùi tiến bộ trong giảm nghèo ở châu Á

Gia đình chị Lasmi Asih đang trải qua một thời kỳ khó khăn khi chồng chị mất việc làm ở khu mua sắm tại Jakarta do đại dịch COVID-19. Giờ đây, chị là lao động chính trong nhà cho gia đình gồm 4 miệng ăn từ đồng lương của một công nhân may mặc.

 

Đại dịch COVID-19 đẩy lùi tiến bộ trong giảm nghèo ở châu Á - Ảnh 1.

Trẻ em sống ở một khu ổ chuột ở Jakarta chơi đùa. Hàng triệu người Indonesia có nguy cơ rơi vào nghèo đói do đại dịch COVID-19 – Ảnh: EPA

Chị Lasmi cho biết: “Chúng tôi chật vật sống qua ngày trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng tôi vốn có hai nguồn thu nhập, không nhiều nhưng đủ để trang trải những nhu cầu hằng ngày của gia đình. Kinh tế gia đình chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch. Chúng tôi phải cân đối lại mọi thứ, ngay cả cái ăn như giảm ăn gà, chỉ còn ăn trứng”.

Khoản tiền lương 4,2 triệu rupiah (tương đương 298 USD hay 6,8 triệu đồng) của chị Lasmi không đủ cho mọi chi tiêu trong gia đình. Chị phải vay 10 triệu rupiah từ ngân hàng và 4 triệu rupiah từ một người bên ngoài với lãi suất cao hơn. Chị lo rằng có thể mình sẽ không trả nổi khoản nợ lãi mẹ đẻ lãi con này.

Người phụ nữ 36 tuổi cho biết: “Thật khó để trả lại họ khoản vay khi thu nhập của chúng tôi vốn đã không đủ chi tiêu. Tôi có thể nhịn đói nhưng các con của tôi thì không”.

Đại dịch COVID-19 đẩy lùi tiến bộ trong giảm nghèo ở châu Á - Ảnh 2.

Gia đình chị Lasmi, ảnh nhân vật cung cấp

Theo báo South China Morning Post, gia đình chị Lasmi là một trong hàng triệu gia đình ở Indonesia đang bị túng quẫn về tài chính do đại dịch COVID-19 và hiện nay, họ có nguy cơ tái nghèo dù nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dường như sắp hoàn thành mục tiêu xóa nghèo sau nhiều năm nỗ lực.

Ngay cả trong tình huống tốt đẹp nhất, theo viện nghiên cứu SMERU ở Jakarta, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ làm cho 1,3 triệu người người Indonesia rơi vào cảnh nghèo đói trong năm nay và tỉ lệ nghèo của Indonesia dự kiến sẽ tăng lên 9,7% từ mức 9,2% của thời điểm tháng 9-2019.

Còn trong tình huống xấu nhất, tỉ lệ nghèo sẽ tăng lên 16,6% vào cuối năm, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Các số liệu của chính phủ Indonesia sẽ được công bố vào tháng 1-2021 nhưng theo Ngân hàng Thế giới, 115 triệu người Indonesia đối diện với nguy cơ nghèo khó do đại dịch.

Mặc dù vậy, sự lây lan của COVID-19 ở Indonesia chưa có nhiều dấu hiệu chậm lại. Đợt bùng phát dịch đầu tiên của nước này kéo dài cho tới nay.

Indonesia đứng thứ 19 trên thế giới trong danh sách các nước bị ảnh hưởng nặng do COVID-19 và là nước châu Á thứ hai sau Ấn Độ có mặt trong danh sách này, theo trang web thống kê worldometers.info. Từ đầu dịch đến nay, Indonesia có 611.631 ca nhiễm và 18.653 ca tử vong.

Ngoài ra, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, năm nay là lần đầu tiên Indonesia bị rơi vào suy thoái kinh tế với mức suy giảm kinh tế lần lượt là 5,32% và 3,49% trong quý II và III.

Chuyên gia của tổ chức Marsinah FM là Dian Septi chuyên bảo vệ quyền lợi của người lao động, cho biết: “Người trung lưu sẽ không bị rơi vào nghèo khó nhưng người nghèo sẽ nghèo hơn. Rất nhiều trong số họ đang nợ những kẻ cho vãi nặng lãi và có thể sẽ chẳng còn tiền mà thuê nhà”.

Đối với Philippines, ngân hàng thế giới dự báo có khoảng 2,7 triệu người sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo đói trong năm nay. Trong khi đó, cơ quan thống kê nhà nước của Thái Lan cho biết hơn 11 triệu gia đình gặp rủi ro rơi vào nghèo đói do đại dịch.

Campuchia cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, tỉ lệ nghèo ở Campuchia sẽ tăng lên khoảng 11% năm nay.

Với Lào, sẽ có khoảng 214.000 người rơi vào cảnh nghèo khó. Ở Myanmar, hơn 60% của 1.000 hộ gia đình ở nông thôn tham gia một khảo sát của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế vào tháng 9-2020 cho biết họ đang sống với chưa đến 1,9 USD/ngày. Tỉ lệ này tăng 16% so với khảo sát vào đầu năm.

Tựu trung, Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ có thêm 38 triệu người nữa sống dưới mức nghèo khổ trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Nếu đại dịch không xảy ra, con số này giảm được 33 triệu, chỉ có 5 triệu người rơi vào nghèo đói.

Ở toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có tất cả khoảng 517 triệu người sống trong cảnh đói nghèo còn trên toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ có thêm 115 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay, đảo ngược tiến bộ trong giảm nghèo của toàn thế giới tương ứng với 3 năm nỗ lực.

HỒNG VÂN
TTO