27/12/2024

Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

Các chuyên gia của tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

 

Thay vào đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có thêm nhiều thị trường khác giàu tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Tại Hội nghị toàn thể Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của COVID-19; cơ hội và thách thức”, cố vấn cao cấp WB Hardwick Tchale cho hay, COVID-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nông sản, giá lương thực tăng, trong đó có giá gạo.

Ở một số nước giá cả lương thực tăng mạnh như Argentina tăng 39%, Myanmar tăng 30%… Đây là thiệt thòi lớn cho các quốc gia này nhưng lại là cơ hội cho các nước xuất khẩu lương thực, nông sản như Việt Nam.

Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam - Ảnh 1.

Cố vấn cao cấp Ngân hàng Thế giới: Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam – Ảnh: VŨ TUẤN

Ông Hardwick cho rằng việc đứt gãy các chuỗi cung ứng lương thực trên thế giới, đặc biệt là gián đoạn các hoạt động trồng trọt, logistics… trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Ngành nông sản Việt Nam đã tiếp cận nhanh với các thị trường giàu tiềm năng và có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đây là cơ hội lớn của Việt Nam, đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam chịu tác động gấp ba. Đó là những tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và thiên tai.

Ông Doanh cho rằng nhờ chủ động ứng phó và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam không bị thiếu hụt về sản lượng lương thực. Ngược lại, xuất khẩu nông sản, lương thực tiếp tục tăng.

Trong tuyên bố chung tại hội nghị, ISG tăng cường hợp tác với Chính phủ Việt Nam về các giải pháp nhằm tăng khả năng chống chịu và phục hồi nông nghiệp trong bối cảnh COVID-19.

Trước mắt ưu tiên vào các vấn đề khuyến nghị chính sách phúc lợi xã hội và sinh kế của các hộ nông dân nhỏ, chính sách an ninh lương thực, năng lực chung của ngành nông nghiệp và chuỗi giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.

ISG cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn trong bối cảnh COVID-19 và quá trình phục hồi xanh.

ISG cũng khẳng định hỗ trợ ngành nông nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng của các chủ thể trong chuỗi giá trị để tiếp cận và đa dạng hóa thị trường toàn cầu. Phát triển ứng dụng nông nghiệp điện tử, bao gồm công nghệ số trong sản xuất, thương mại, khuyến nông và truy xuất nguồn gốc.

VŨ TUẤN
TTO