27/12/2024

Doanh nghiệp gặp khó khi tự ‘bơi’

Doanh nghiệp gặp khó khi tự ‘bơi’

Đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng sự thiếu vắng các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, kết nối thị trường khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức để tìm đường tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

 

 

Doanh nghiệp gặp khó khi tự bơi - Ảnh 1.

Bộ Công thương vừa khai trương Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật khuôn mẫu ngày 8-12 với hệ thống máy móc hiện đại – Ảnh: N.TH.

Đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa, không đủ nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động R&D hay mua sắm máy móc, thiết bị chế tạo thử nghiệm sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải “lặn lội” đưa sản phẩm mẫu ra tận nước ngoài thử nghiệm, kiểm định.

Khó tìm nơi thử nghiệm, nguy cơ mất đơn hàng

Với mục tiêu làm chủ công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Công ty CP bóng đèn Điện Quang đã đầu tư, vận hành trung tâm nghiên cứu thử nghiệm với máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa cao.

Tuy vậy, ông Lê Xuân Nghiêm, giám đốc kỹ thuật – khoa học – công nghệ của Điện Quang, cho hay vẫn có nhiều khó khăn khi phát triển sản phẩm mới. Nếu việc thử nghiệm, kiểm nghiệm sản phẩm bị chậm lại, sẽ mất đi cơ hội thị trường.

“Ví dụ, chip led siêu sáng, chip led phục vụ các sản phẩm đặc thù như Led nông nghiệp, nếu mua từ bên ngoài sẽ mất rất nhiều thời gian, không chủ động được hoạt động sản xuất. Vì vậy, Điện Quang đã đầu tư dây chuyền sản xuất chip led với tổng năng lực sản xuất 140 triệu sản phẩm/năm, hoàn toàn làm chủ công nghệ, khép kín chuỗi sản xuất” – ông Nghiêm nói.

Nhu cầu nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm càng trở nên cấp bách hơn khi doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nhựa kỹ thuật cao, tiến tới cung cấp dòng sản phẩm chủ lực là PCBA nhựa kỹ thuật cao trong lắp ráp điện tử, làm bo mạch điện tử… Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường, chào hàng để thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng là vấn đề.

Thực tế, doanh nghiệp này đã gửi các profile (hồ sơ) thông tin giới thiệu sản phẩm, nhưng hiệu ứng thị trường vẫn chưa cao.

“Khó khăn lớn nhất vẫn là kết nối thông tin, tiếp cận những tập đoàn lớn. Bởi họ chuyển dịch qua Việt Nam nhưng sẽ có vệ tinh đi theo. Bộ Công thương đã có cổng thông tin điện tử công nghiệp hỗ trợ, nhưng chúng tôi vẫn muốn được tư vấn để khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu cả đầu ra, đầu vào hiệu quả hơn” – ông Nghiêm đề xuất.

Trung tâm hỗ trợ: cánh tay nối dài tạo sức cạnh tranh

Theo ông Đỗ Nam Bình – giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp – Bộ Công thương), tại nhiều nước phát triển, các trung tâm và viện nghiên cứu công nghệ đều được chính quyền thành lập, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp dịch vụ thiết kế, chế tạo thử nghiệm… và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Do đó, Việt Nam cũng cần có các trung tâm để thực hiện hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tập trung vào công nghệ, nâng cao năng lực kỹ thuật, tiếp cận thị trường…

h2

Doanh nghiệp tự đầu tư hệ thống phòng kiểm định nhưng vẫn gặp khó khăn – Ảnh: N.TH

Cùng với 2 trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp được thành lập tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ Công thương đã phối hợp với Hàn Quốc thành lập Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam. Những trung tâm này không chỉ giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ mà còn thực hiện khảo sát, đánh giá hệ thống doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư, đánh giá thị trường, cơ hội kinh doanh, liên kết hợp tác, xúc tiến thị trường và đầu tư…

 

MINH NGỌC
TTO