26/12/2024

Tranh chấp lãnh thổ ‘bớt nóng’ sau Tuyên bố chung quốc phòng

Tranh chấp lãnh thổ ‘bớt nóng’ sau Tuyên bố chung quốc phòng

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội ngày 10-12 đã thông qua Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+ sau 10 năm thành lập cơ chế hợp tác quân sự.

 

Tranh chấp lãnh thổ ‘bớt nóng’ sau Tuyên bố chung quốc phòng - Ảnh 1.

ADMM+ lần thứ 7 đạt được bước tiến lớn khi các nước thành viên ký Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+ – Ảnh: H.Q

ADMM+ có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và đại diện Liên Hiệp Quốc, phái đoàn EU.

Đây cũng là năm vừa kỷ niệm 10 năm thiết lập cơ chế ADMM+ vừa là dấu mốc để các bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+.

Tuyên bố thúc đẩy hòa bình thực chất

Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+ đã được 18 nước ADMM+ ký ngày 10-12 nhấn mạnh giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một quy tắc ứng xử then chốt trong việc quản lý các mối quan hệ và hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực.

Tại ADMM+, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đề nghị diễn tập hàng hải, phòng chống khủng bố, gìn giữ hòa bình… để quân đội các nước hợp tác cùng nhau. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng kêu gọi phân phối vắc xin COVID-19 trên toàn cầu vì tính chất xuyên biên giới của loại virus này.

Trong khi, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nubuo kêu gọi các nước ADMM+ nỗ lực gia tăng lòng tin, tránh áp đặt các quốc gia khác, luôn nhớ tinh thần giải quyết tranh chấp trên không, trên biển với tinh thần hòa bình, tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt, các bên phải nâng cao lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau.

Ông Kishi Nubuo nhấn mạnh các nước ADMM+ phải tự kiềm chế trong ứng xử, những hành vi và hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Tất cả những gì cần thiết để giải quyết xung đột ở Biển Đông cũng được đề cập và bao gồm trong tuyên bố.

Tranh chấp lãnh thổ ‘bớt nóng’ sau Tuyên bố chung quốc phòng - Ảnh 2.

Đại diện quốc phòng các nước ký Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+ – Ảnh: H.Q.

Các tranh chấp, khác biệt giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “ADMM+ có sự tham dự của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại, chiếm hơn 30% diện tích và khoảng 50% dân số thế giới, bao gồm cả những nền kinh tế, quân sự lớn nhất toàn cầu, để cùng nhau phối hợp sức mạnh quân đội ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để người dân sống trong hòa bình, ổn định thì các xung đột, cọ xát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận phải được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thái độ thiện chí của các bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ASEAN cần tiếp tục thể hiện bản lĩnh, phát huy hiệu quả vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và các văn kiện của ASEAN về ứng xử tại khu vực.

Theo bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, ADMM+ triển khai các hoạt động hợp tác như tổ chức các cuộc diễn tập xử lý tình huống và diễn tập thực binh để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung.

Bộ trưởng Lịch cho biết ADMM+ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ chế hợp tác khác trong khu vực do ASEAN làm trung tâm như Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) để chủ động thích ứng trong một môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh lại rằng tầm quan trọng của ADMM+ là tự do, rộng mở, dung nạp và tôn trọng luật pháp quốc tế.

HỒNG QUÂN
TTO