26/12/2024

Doanh nghiệp Việt khó chen chân chuỗi cung ứng vì giá cao gấp 3 lần

Doanh nghiệp Việt khó chen chân chuỗi cung ứng vì giá cao gấp 3 lần

Có nhiều đơn hàng chuyển dịch sang Việt Nam với nhu cầu đặt hàng lớn, nhưng sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam báo giá thường cao hơn gấp 3 lần so với các nơi khác nên khó tham gia được chuỗi cung ứng.

 

Doanh nghiệp Việt khó chen chân chuỗi cung ứng vì giá cao gấp 3 lần - Ảnh 1.

Giá cao khiến doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ kém cạnh tranh – Ảnh: N.AN

Thông tin được đưa ra tại hội thảo Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nằm trong khuôn khổ Triển lãm VIMEXPO 2020 do Bộ Công thương tổ chức ngày 10-12.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm hiểu cơ hội mua hàng. Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 diễn ra, nhu cầu mua hàng càng nhiều hơn.

“Chưa bao giờ doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mua hàng nhiều như vậy. Nếu như trước đây chỉ tiếp tiếp xúc với nhà cung cấp, doanh nghiệp mình gửi báo giá nhưng không phản hồi lại thì năm nay nhiệt tình hơn, khách hàng cần thông tin chính xác, trực tiếp đến nhà máy, chưa bao giờ nhu cầu thị trường lớn như bây giờ” – bà Bình nêu.

Tuy vậy, một trong những khó khăn của doanh nghiệp là không đáp ứng được giá theo yêu cầu của khách hàng. Thông thường nhà mua hàng “hứa hẹn” sản lượng lớn, nhưng doanh nghiệp Việt thường báo giá cao gấp 3 lần so với giá các nơi khác.

Theo bà Bình, nguyên nhân do chi phí đầu vào của doanh nghiệp rất cao, thuế phí, lãi vay ngân hàng cao, chi phí không chính thức và hầu hết nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu làm tăng thêm các chi phí khác nên khó giảm giá thành để tạo sự cạnh tranh, tiếp cận được chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không đáp ứng được yêu cầu những đơn hàng, với quy mô sản lượng lớn.

“Cũng có vấn đề do môi trường chính sách chưa tạo liên kết giữa các doanh nghiệp, nếu mỗi doanh nghiệp làm một công đoạn chuyên sâu thì khả năng đáp ứng cao hơn. Vì vậy mà việc đưa doanh nghiệp đi xuất khẩu rất khó vì ta chỉ quen sản xuất linh kiện rời, mà khách hàng yêu cầu cụm linh kiện, ít doanh nghiệp làm được” – bà Bình chỉ ra.

Theo đại diện của Toyota Việt Nam, hiện công ty này mới chỉ nội địa hóa được 26% với sự tham gia của 44 nhà cung cấp, trong đó chỉ có 6 nhà cung cấp là thuần túy Việt Nam. Việc phát triển nhà cung cấp gặp khó khăn rất lớn, bởi quy mô thị trường rất nhỏ, đơn cử một mẫu model xe ở Việt Nam chỉ có 4000 xe, nhưng tại Thái Lan sản xuất quy mô gấp 5 lần.

Để tạo ra giá thành sản phẩm gồm khuôn, vật liệu, nhân công và quản lý vận chuyển. Riêng vật liệu chiếm 40% nhưng toàn phải nhập khẩu, giá cao hơn.

Đơn cử như chi phí nhập khẩu vật liệu nhựa đến nhà cung cấp thường cao hơn 30% so với Thái Lan.

Với ngành khuôn mẫu cơ bản ở Việt Nam dù tương đối phát triển, nhưng vì sản lượng quá thấp nên chi phí khấu hao khuôn cao gấp 5 lần.

N.AN
TTO