Cảnh báo rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Cảnh báo rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% có biểu hiện trầm cảm ban đầu ở độ tuổi 14.
Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15 – 19.
Những con số đáng báo động
Khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) vừa qua đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân (BN) nữ 13 tuổi bị trầm cảm, có ý định tự sát. Sau khi được các bác sĩ của Khoa Sức khỏe vị thành niên can thiệp tâm lý, hiện tại sức khỏe tâm thần và kết quả học tập của BN đã được cải thiện.
Qua thực tế điều trị, các bác sĩ lưu ý người lớn cần quan tâm đến diễn biến tâm lý của trẻ để tránh các phản ứng tiêu cực. Như trường hợp một bé gái 12 tuổi tự tử được đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu nhưng không thể cứu chữa. Theo người nhà của BN, nguyên nhân ban đầu là do em thấy không đúng khi bị giáo viên nhắc nhở trên lớp, về nhà lại bị người lớn quở trách.
Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết theo một số nghiên cứu gần đây, tại VN tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8 – 29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, 11,5% có rối loạn cảm xúc; 9,2% rối loạn ứng xử.
Còn theo một nghiên cứu do Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện mới đây với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên, tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở học sinh tại Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%. Tỷ lệ các em có lo âu là 42,6% tại Hà Nội và 36,5% tại Hưng Yên.
Học sinh mong muốn có chuyên gia tư vấn trong trường
Theo GS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, trẻ em có thể gặp những rối loạn tuổi học đường. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, học hành sút kém, rối loạn hành vi và rối loạn tâm thần. Điều này đòi hỏi các bác sĩ có kiến thức về tâm lý, tâm thần của trẻ em mà đặc biệt là lứa tuổi học đường để can thiệp hiệu quả. Đồng thời, các em cũng rất cần được sự quan tâm của gia đình.
Th.S-BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, lưu ý: “Không ít cha mẹ nhìn nhận sai về bệnh tâm thần, coi những biến đổi tâm lý của trẻ em là do lứa tuổi, né tránh việc con mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, khiến các em không được khám sớm và đúng chuyên khoa”.
Khảo sát của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy 62 – 71% học sinh mong muốn có chuyên gia tư vấn trong trường học. Hiện nay, một số trường đã có phòng tham vấn tâm lý học đường với các cán bộ tâm lý hỗ trợ. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai đồng đều tại các trường học. Khoa Sức khỏe vị thành niên cũng đang thiết lập mạng lưới y tế giáo dục để khi có vấn đề phức tạp về tâm lý của trẻ em trong nhà trường, khoa sẵn sàng tiếp nhận điều trị.
“Khoa Sức khỏe vị thành niên cũng cố gắng cung cấp thông tin chuyên môn để các thầy cô nhận dạng một số vấn đề về sức khỏe tâm thần với học sinh của mình, tư vấn cho cha mẹ đưa con đi khám”, BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, cho biết.
Tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm, nhưng 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn là: học sinh và thanh thiếu niên; phụ nữ trước và sau sinh; người cao tuổi. Trầm cảm luôn nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở mọi nhóm tuổi, bao gồm nhóm dưới 15 tuổi.
Người bị trầm cảm điển hình có biểu hiện buồn chán dai dẳng, mệt mỏi, giảm hoặc mất sự quan tâm, thích thú với những hoạt động thường thích làm, không có khả năng thực hiện các công việc hằng ngày, thời gian kéo dài từ 2 tuần trở lên.
Trầm cảm không được chữa trị sẽ trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm. (Bộ Y tế)
LIÊN CHÂU
TNO