26/12/2024

Việt Nam đề xuất sáng kiến hợp tác quốc phòng quốc tế đầy hứa hẹn

Việt Nam đề xuất sáng kiến hợp tác quốc phòng quốc tế đầy hứa hẹn

Chương trình Khách mời nước Chủ tịch (ASEAN) trực tuyến mở ra hợp tác quốc phòng quốc tế với sự tham gia của Phó chủ tịch EU, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc và đại diện an ninh – đối ngoại các nước Anh, Pháp, Đức, Canada diễn ra tối 9-12.

 

Việt Nam đề xuất sáng kiến hợp tác quốc phòng quốc tế đầy hứa hẹn - Ảnh 1.

Phó chủ tịch EU, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc và đại diện quốc phòng Anh, Pháp, Đức, Canada tham gia Chương trình Khách mời nước Chủ tịch trực tuyến do Việt Nam chủ trì – Ảnh: H.Q

Cơ sở thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong tương lai

Trước sự quan tâm của các nước, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức Chương trình Khách mời của nước Chủ tịch lần đầu tiên trong lịch sử. Các nước khách mời như Canada, Anh, Đức, Pháp đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam.

Đại diện quốc phòng các nước coi đây là cơ hội tốt để hiểu hơn về ASEAN, các cơ chế của ASEAN, cũng như ASEAN hiểu hơn về các đối tác. Trên cơ sở đó, các nước ASEAN và khách mời sẽ có cơ hội thúc đẩy hợp tác trong tương lai.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, sau khi được thiết lập năm 2006, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) đánh dấu sự khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN. Cơ chế này tạo khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh và là nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên thực tế giữa quân đội các nước ASEAN.

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, tại cấp độ chiến lược, các nước cam kết không được dùng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp; thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các Bộ trưởng để kịp thời xử lý các vấn đề nổi lên; khuyến khích thiết lập các cơ chế phối hợp giữa lực lượng Quân đội các nước trong ứng phó với các thách thức chung, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác thực chất trong những lĩnh vực khác ASEAN cùng quan tâm.

Cần một cấu trúc an ninh mang tính rộng mở hơn

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá, khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, đóng vai trò trung tâm chính trị – kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống.

Các thách thức này ngày càng phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng kiểm soát của một quốc gia đơn lẻ trong khi tiềm lực của các nước khu vực còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh ADMM, khu vực cần có một cấu trúc an ninh mang tính rộng mở hơn.

Việt Nam đề xuất sáng kiến hợp tác quốc phòng quốc tế đầy hứa hẹn - Ảnh 2.

Chương trình Khách mời nước Chủ tịch mở ra nhiều cơ hội hợp tác an ninh – quốc phòng giữa ADMM và các nước trên thế giới – Ảnh: H.Q

“ADMM được xác định mang tính chất mở, linh hoạt và dung nạp trong quan hệ hợp tác với các nước bạn bè của ASEAN, trong đó có các nước đối tác đối thoại”, Đại tướng Lịch nhấn mạnh.

Tại chương trình, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan cho rằng, việc hợp tác đa phương giữa ASEAN và các quốc gia trên thế giới sẽ tạo ra khác biệt lớn đặc biệt trong trong cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, chống khủng bố…

Ông Harjit nhấn mạnh, Canada đã hiện diện để thúc đẩy hòa bình, ổn định và duy trì an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương dựa trên luật lệ quốc tế gần 4 thập kỷ (từ năm 1977). Bộ trưởng Quốc phòng Canada khẳng định ASEAN đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo các quốc gia trong khu vực hưởng lợi từ một khu vực mở, thịnh vượng – nơi các nước có quyền tự do và khả năng định hình vận mệnh từng quốc gia được tôn trọng.

Hiện nay, hoạt động hợp tác thực chất trong ADMM mở rộng được triển khai thông qua 7 Nhóm chuyên gia bao gồm Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, An ninh biển, Quân y, Chống khủng bố, Gìn giữ hoà bình, Hành động mìn nhân đạo và An ninh mạng.

HỒNG QUÂN
TTO