26/12/2024

Nước giàu ‘gom hàng’, 90% nước nghèo có thể không có vắc xin Covid-19 trong năm 2021

Nước giàu ‘gom hàng’, 90% nước nghèo có thể không có vắc xin Covid-19 trong năm 2021

Giới chuyên gia ước tính 90% nước nghèo có thể sẽ không nhận được vắc xin Covid-19 để tiêm chủng trong năm 2021 do nguồn hàng bị các nước giàu mua gom.
Người dân Anh được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong ngày 8.12 /// Reuters
Người dân Anh được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong ngày 8.12  REUTERS
Tính đến tháng 11, các nước và vùng lãnh thổ giàu trên thế giới (chiếm 14% dân số toàn cầu) đã mua 53% tổng số lượng 8 vắc xin ngừa Covid-19 tiềm năng nhất.
Đó là thống kê của Liên minh Vắc xin của Nhân dân (PVA), gồm quỹ Oxfam, Ân xá quốc tế và phong trào phát triển toàn cầu Global Justice Now.
Theo ước tính, 9/10 nước nghèo có thể mất cơ hội được tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021 do các nước giàu đang mua nhiều vắc xin hơn nhu cầu thực sự của họ.
Theo PVA, các nước giàu đã mua gần như toàn bộ 2 loại vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech. Trong khi đó, hãng AstraZeneca đã cam kết cung cấp 64% lượng vắc xin sản xuất cho người dân các nước đang phát triển. Tuy nhiên, mức này cũng chỉ có thể đủ để tiêm chủng cho 18% dân số thế giới, sớm nhất là trong năm 2021.

VA cho rằng các công ty dược đang phát triển vắc xin ngừa Covid-19 nên chia sẻ công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ công khai thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có thể sản xuất thêm nhiều vắc xin.

Reuters ngày 9.12 dẫn lời bà Mohga Kamal-Yanni, cố vấn PVA, nói rằng đại dịch này không nên là cuộc chiến để các nước tranh giành vắc xin. “Trong thời điểm đại dịch toàn cầu chưa từng thấy, mạng sống và sinh kế của người dân nên được đặt lên trước lợi nhuận của các hãng dược phẩm”, bà Yanni nói.
Trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố không thể chấp nhận việc nước nghèo bị nước giàu “giẫm đạp” để giành quyền ưu tiên sở hữu vắc xin, theo AFP.
“Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu và giải pháp phải được chia sẻ bình đẳng như món hàng công cộng toàn cầu”, ông Ghebreyesus phát biểu tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc. Theo vị quan chức, việc xem vắc xin Covid-19 như món hàng riêng sẽ gây gia tăng bất bình đẳng và khiến một số nhóm người bị bỏ lại phía sau.
VI TRÂN
TNO