25/12/2024

Mỹ từng muốn mua thêm một nửa diện tích nước Nga?

Mỹ từng muốn mua thêm một nửa diện tích nước Nga?

Tác giả kế hoạch về “thỏa thuận vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại” lập luận rằng đây là điều đáng làm vì nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của khu vực Siberia rộng lớn thuộc Nga.
Cố Tổng thống Mỹ President George H. W. Bush và cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin ký kết một thỏa thuận năm 1993 /// Reuters
Cố Tổng thống Mỹ President George H. W. Bush và cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin ký kết một thỏa thuận năm 1993 REUTERS
Sau khi mua Alaska, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn có thêm phần lãnh thổ thuộc châu Á của Nga. Trong giai đoạn nước Nga suy sụp kinh tế dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin sau khi Liên Xô tan rã, một lần nữa, một số người trong chính giới Mỹ lại đưa ra sáng kiến tương tự. Lần này “sự thèm thuồng” của họ đã mở rộng ra toàn bộ vùng Đông Siberia.

“Chúng ta nên mua Siberia chăng?”

Trong những năm 90 sôi động, Siberia, giống như toàn bộ nước Nga, phải đối mặt với thảm họa kinh tế và tội phạm tràn lan. Chỉ cần nhớ lại “cuộc chiến tranh ăn cướp” với mục tiêu kiểm soát các doanh nghiệp công nghiệp ở Krasnoyarsk, Irkutsk, Angarsk… là đủ.
Theo ông Walter Russell Mead, chuyên gia tư vấn hàng đầu tại Viện Chính trị Thế giới (Mỹ), mức sống của người dân Siberia giảm mạnh trong những năm đó. Nhà phân tích có liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quyền lực Mỹ này đã xuất bản một loạt bài báo trong đó ông cho rằng Washington nên mua nửa phía đông của Nga.
Mỹ từng muốn mua thêm một nửa diện tích nước Nga? - ảnh 1

Chuyên gia tư vấn Walter Russell Mead

Ông đề cập đến tiền lệ lịch sử khi Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson, lợi dụng khó khăn tài chính của Napoléon Bonaparte, đã mua lại bang Louisiana khổng lồ từ Pháp. Ông cho rằng, theo cách tương tự, Tổng thống George H.W. Bush có thể hành động bằng cách đề xuất một thỏa thuận với Tổng thống Nga Yeltsin.
Biên giới của “Siberia thuộc Mỹ” trong tương lai, dựa trên các bản đồ được công bố trên các phương tiện truyền thông, đã được ông Mead vẽ dọc theo phía tây của các quận tự trị (okrug) Taimyr và Evenk, tỉnh (oblast) Irkutsk và nước cộng hòa Buryatia. Lãnh thổ nước Mỹ cũng sẽ bao gồm Yakutia, Vùng Chita, Lãnh thổ Khabarovsk, Primorye, Sakhalin. Người Mỹ sẽ hợp nhất Kamchatka, Chukotka và vùng Magadan thành một vùng mới của Beringia, và trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản. Dưới quyền sở hữu của người Mỹ, giống như miền Tây hoang dã vào thế kỷ 19, các vùng lãnh thổ này sẽ được trao quy chế tiểu bang. Người dân Nga sở tại, theo đề xuất trên, ngay lập tức sẽ nhận được đầy đủ các quyền của công dân Mỹ.

“Thương vụ lớn nhất trong lịch sử loài người”

Ông Mead tin rằng hai hoặc ba nghìn tỷ USD sẽ đủ để mua Siberia – khoảng 1.000 USD cho mỗi mẫu đất (100 mét vuông).
Mỹ từng muốn mua thêm một nửa diện tích nước Nga? - ảnh 2

Chiếm toàn bộ vùng bắc Á, Siberia có diện tích 13,1 triệu km vuông, tức khoảng 77% diện tích nước Nga và rộng hơn toàn bộ diện tích nước Mỹ (9,834 triệu km vuông)

Số tiền này cao gấp nhiều lần mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Mỹ. Các khoản thanh toán cho thỏa thuận sẽ kéo dài trong hơn một thập kỷ, với kế hoạch chi trả cho Nga khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Tác giả kế hoạch “trong mơ” này lập luận rằng đây là “trò chơi rất đáng đồng tiền bát gạo”, với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của khu vực rộng lớn – dầu mỏ, kim cương, vàng, gỗ, v.v.
“Chúng ta sẽ là nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới. Tạm biệt, OPEC! Tạm biệt nhập siêu, tạm biệt kinh tế trì trệ. Xin chào bùng nổ, xin chào tăng thu ngân sách!”, chuyên gia này khẳng định vào năm 1992 trên tờ Los Angeles Times.
Ông Mead đề xuất xây dựng Đường cao tốc xuyên Siberia để phục hồi giao thương với châu Âu, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực theo mọi cách có thể.
Nhà phân tích này tin rằng “thỏa thuận vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại” sẽ có lợi cho chính Nga, quốc gia mà nhờ dòng vốn của Mỹ sẽ có thể “làm lại tất cả từ đầu”. Theo ông Mead, sinh viên Nga có thể học tại các trường cao đẳng, đại học của Mỹ và bản thân đất nước này có thể nhận được các khoản đầu tư hay ưu đãi từ Mỹ.
“Đây không phải là thương vụ [rẻ mạt] dùng chuỗi hạt đổi lấy Manhattan: chúng tôi muốn mang hạnh phúc đến cho bạn”, ông Mead dường như muốn làm mờ mắt độc giả Nga.

Số phận của dự án

Vào đầu những năm 1990, ông Mead đã đích thân đến thăm vùng Viễn Đông và trò chuyện với Yevgeny Nazdratenko, người đứng đầu chính quyền Primorsky Krai (miền duyên hải phía Đông nước Nga). Sau khi thăm thú mọi nơi trong vùng, ông đặt câu hỏi rằng, theo ý kiến của thống đốc, liệu có thể cho thuê đất dài hạn để biến nó thành “một thứ gì đó giống như Hong Kong” không?
“Có thể, tất nhiên rồi!”, ông Nazdratenko trả lời.
Hầu chuyện Tổng thống George H.W. Bush, ông Mead lập luận rằng chính Tổng thống Boris Yeltsin đã gợi ý về việc sẵn sàng chia tay Siberia.
Tuy nhiên, rõ ràng là tác giả của dự án đã quá ư ảo tưởng. Các nhà chức trách Nga, những người đau đớn chấp nhận sự ly khai của Chechnya nhỏ bé, hiểu rằng việc để mất các lãnh thổ của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ là một đòn giáng quá đau vào lòng tự hào của cử tri. Người Nga sẽ không đánh đổi việc mất đi một nửa đất nước của mình để lấy bất kỳ lợi ích kinh tế nào. Nếu đồng ý ký một hiệp định “bán Siberia” như vậy thì Chính phủ Yeltsin lập tức sẽ bị phe đối lập (một thế lực cực mạnh trong thập niên 90) quét bay.
PHẠM BÁ THUỶ
TNO