24/12/2024

Tội phạm lăm le vắc xin Covid-19

Tội phạm lăm le vắc xin Covid-19

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đưa ra cảnh báo toàn cầu về việc các băng nhóm tội phạm đang nhắm đến vắc xin Covid-19.
Một trung tâm tiêm chủng vắc xin dã chiến vừa được thành lập tại trường học ở Đức /// AFP
Một trung tâm tiêm chủng vắc xin dã chiến vừa được thành lập tại trường học ở Đức  AFP
Trang Business Insider hôm qua 3.12 đưa tin Interpol đã phát cảnh báo đến 194 nước thành viên trên toàn cầu, kêu gọi chuẩn bị đối phó việc các mạng lưới tội phạm có tổ chức đang nhắm đến vắc xin Covid-19. Cảnh báo liên quan đến nguy cơ trộm, làm giả và quảng cáo vắc xin bất hợp pháp, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước. Theo Interpol, việc đảm bảo an toàn của chuỗi cung ứng vắc xin Covid-19 và nhận diện các trang web phi pháp bán hàng giả là điều quan trọng. Bên cạnh đó, Interpol nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý về y tế vì sự an toàn của cộng đồng.
“Các mạng lưới tội phạm cũng sẽ nhắm đến những người ít nghi ngờ, thông qua các trang web và phương pháp chữa trị giả, nên có thể gây nguy cơ cao đối với sức khỏe, thậm chí tính mạng”, Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock cảnh báo và cho biết thêm rằng tội phạm còn có thể sản xuất, phân phối các bộ xét nghiệm giả hoặc không được cấp phép. Trong bối cảnh lừa đảo liên quan Covid-19 gia tăng, Interpol còn khuyến cáo mọi người cần thận trọng khi tìm kiếm thiết bị y tế và dược phẩm trên mạng. Phân tích của đơn vị tội phạm mạng thuộc Interpol cho thấy có đến 3.000 trang web bị nghi bán thuốc và thiết bị y tế bất hợp pháp.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các vắc xin Covid-19 sắp được chứng nhận và phân phối tại nhiều nước. Theo AFP, Chiến dịch Thần tốc tại Mỹ hôm qua cho hay dự kiến 100 triệu người sẽ được chủng ngừa trước thời điểm cuối tháng 2.2021, tương đương gần 40% số người trưởng thành trên cả nước. Các cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, George W.Bush và Bill Clinton đều tự nguyện tiêm vắc xin trước ống kính phóng viên để thuyết phục mọi người tiêm ngừa. Thông tin được đưa ra giữa lúc Mỹ ghi nhận hơn 100.000 người nhập viện và 2.670 người tử vong vì Covid-19 vào hôm qua, con số cao nhất từ trước đến nay. Ông Albert Bourla, Chủ tịch Hãng Pfizer (Mỹ), hôm qua cho biết ông tin rằng thế giới sẽ có số vắc xin Covid-19 vượt nhu cầu vào thời điểm cuối năm 2021.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm qua công bố chiến dịch tiêm chủng diện rộng bắt đầu vào cuối tuần tới, trong đó bác sĩ và giáo viên sẽ được ưu tiên tiêm trước. Cùng ngày, Nga ghi nhận kỷ lục buồn với 28.145 ca mắc Covid-19, với 554 ca tử vong. Tại Hàn Quốc, truyền thông đưa tin nước này vừa đạt thỏa thuận mua vắc xin của Hãng AstraZeneca (Anh) và đang đàm phán với các Hãng Pfizer và Johnson & Johnson của Mỹ. Trong khi đó, Hãng Daewong của Hàn Quốc đang xin cấp phép thử nghiệm giai đoạn 2 đối với thuốc chữa sán niclosamide để điều trị Covid-19.
Trung Quốc kiểm soát sản phẩm đông lạnh
Reuters hôm qua đưa tin Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn Covid-19 lây lan qua các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu, bằng cách tăng cường kiểm tra các nhà nhập khẩu, siêu thị, trang bán hàng qua mạng và các nhà hàng. Theo Tổng cục Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc, tình hình phòng chống dịch vẫn còn phức tạp và nguy cơ bệnh dịch lây lan thông qua chuỗi thực phẩm đông lạnh tiếp tục gia tăng.
KHÁNH AN
TNO