23/11/2024

Nạn hoạ chung

Báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh việc cấp bách là cả thế giới phải nỗ lực và hiệu quả hơn nữa trong đối phó dịch bệnh và thật sự hợp tác với nhau.
Người dân Kenya xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 /// Reuters
Người dân Kenya xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19  REUTERS
Trong Báo cáo năm 2020 của LHQ về tình hình kinh tế – xã hội ở các nước chậm phát triển nhất, tổ chức Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã chỉ rõ mức độ tác động của Covid-19. Đánh giá của UNCTAD cho rằng có ít nhất 47 quốc gia bị đại dịch đẩy vào tình cảnh không đảm bảo an ninh lương thực và mức độ nghèo gia tăng. Điều đáng chú ý là chính những quốc gia này lại bị dịch bệnh hoành hành trực tiếp ít nhất trên thế giới.
Họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường an ninh và kinh tế quốc tế không còn thuận lợi cũng như các đối tác quan trọng nhất của họ bị sa sút tăng trưởng kinh tế và trao đổi thương mại bởi dịch bệnh. UNCTAD cho rằng chỉ khi tất cả các nước và đối tác trên thế giới cùng nhau thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong đối phó dịch bệnh thì mới có thể giải phóng được các nước chậm phát triển khỏi thảm trạng hiện tại và ngăn ngừa nó trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, UNCTAD cũng gửi thông điệp rằng các nước phát triển và đang phát triển sẽ còn bị vạ lây tai hại nếu không trợ giúp các nước chậm phát triển khắc phục thảm trạng trên.
Cho dù diễn giải khác, báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh việc cấp bách là cả thế giới phải nỗ lực và hiệu quả hơn nữa trong đối phó dịch bệnh và thật sự hợp tác với nhau, phải coi Covid-19 là nạn họa chung chỉ có thể vượt qua bằng các giải pháp toàn cầu.
PHẠM LỮ
TNO