23/01/2025

Siết quản lý thuế dòng tiền giao dịch với Facebook, YouTube, Netflix…

Siết quản lý thuế dòng tiền giao dịch với Facebook, YouTube, Netflix…

Ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại để quản lý thuế đối với dòng tiền chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.

 

Siết quản lý thuế dòng tiền giao dịch với Facebook, YouTube, Netflix... - Ảnh 1.

Các thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới như từ Google, Netfilx, Facebook… ở Việt Nam sẽ phải nộp thuế – Ảnh: CTV

Chiều 1-12, trao đổi với báo giới tại buổi họp báo về nghị định 126 hướng dẫn Luật quản lý thuế, ông Đặng Ngọc Minh – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho hay tới đây Bộ Tài chính sắp có thông tư hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp như YouTube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… trao đổi về trách nhiệm và nghĩa vụ thuế.

Phải nộp thuế cho Việt Nam

Trước hết, ông Minh nói rõ cơ quan thuế sẽ hướng dẫn nghĩa vụ thuế mới và biện pháp quản lý. Tinh thần chung, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế là nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuyên biên giới khi cung cấp cho khách hàng ở Việt Nam.

Riêng với Netflix, Tổng cục Thuế đã có một số buổi làm việc với doanh nghiệp này. Theo quy định, Netflix phải nộp thuế tại Việt Nam, theo khẳng định của ông Minh. Sắp tới, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và tính toán lại việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Netflix cho phù hợp. Căn cứ tính thuế cho Netflix cơ bản dựa vào kê khai của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng để thống kê dòng tiền thanh toán cho Netflix thời gian qua là bao nhiêu.

Về quản lý thuế nói chung đối với các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Minh thông tin số tiền mà doanh nghiệp thanh toán cho Google, Facebook, YouTube… thì cơ quan thuế quản lý tốt.

Số thuế thu được, như năm 2018 là 700-800 tỉ đồng, năm 2019 đạt trên 1.000 tỉ đồng và 11 tháng đầu năm nay đạt gần 1.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này đang thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tuy nhiên, đối với doanh thu mà cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tổ chức nước ngoài thì số thu chưa phản ánh đúng thực tế như dòng tiền mà cá nhân thanh toán dịch vụ cho Netflix. Do đó, trong thời gian tới cơ quan thuế sẽ tăng cường rà soát và phối hợp với ngân hàng để quản lý dòng tiền và thu thuế kịp thời vào ngân sách.

Ngân hàng chỉ cung cấp tài khoản của cá nhân có 2 nguồn thu nhập

Về quy định ngân hàng thương mại có phải cung cấp tên chủ tài khoản, số tài khoản của tất cả người nộp thuế cho cơ quan thuế, trả lời báo giới, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định trước mắt cơ quan thuế chưa yêu cầu ngân hàng thông tin tài khoản của từng người nộp thuế.

Với thực tế quản lý, cơ quan thuế chỉ phối hợp với ngân hàng để quản lý thu nhập của những cá nhân nhận được từ hoạt động thương mại điện tử như từ Facebook, YouTube… và từ nhiều nguồn. Đặc biệt, khi phát hiện cá nhân, tổ chức có rủi ro về thuế và để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế sẽ yêu cầu ngân hàng cung cấp cả giao dịch, số dư tài khoản của người nộp thuế nữa.

“Khi phát hiện các dòng tiền bên ngoài chi trả cho các cá nhân, tổ chức trong nước, cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp giao dịch của các tổ chức nước ngoài cho các cá nhân này”, ông Minh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết thêm ngày 4-12, cơ quan này sẽ họp với Ngân hàng Nhà nước để làm rõ quy định này. Theo hướng trước mắt, ngân hàng sẽ cung cấp cho cơ quan thuế tên chủ tài khoản, số tài khoản của người nộp thuế có hai nguồn thu nhập trở lên, tức là những người tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Thêm nữa, những nội dung như việc lưu trữ dữ liệu, bảo mật thông tin… sẽ được phía cơ quan thuế và ngân hàng bàn thảo để cùng thống nhất áp dụng. Hướng dẫn thực hiện quy định này sẽ được Bộ Tài chính ban hành thông tư trong thời gian tới.

L.THANH
TTO