24/01/2025

Xăng dầu trong nước sẽ “sát” giá thế giới hơn

Xăng dầu trong nước sẽ “sát” giá thế giới hơn

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 mà Bộ Công thương vừa trình Chính phủ thì mỗi tháng giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 3 lần, theo chu kỳ 10 ngày/lần điều chỉnh.
Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 3 lần mỗi tháng /// ẢNH: Ngọc Thắng
Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 3 lần mỗi tháng  ẢNH: NGỌC THẮNG

Quy định cứng về ngày điều chỉnh giá

Bộ Công thương mới đây đã trình lại Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, sau khi hoàn tất tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và doanh nghiệp. Điều đáng chú ý, hầu hết các nội dung trước đó còn có ý kiến khác nhau đã được Bộ Công thương “chốt” còn một phương án, thay vì để 2 phương án như lần trình trước.
Tại bản dự thảo mới nhất này, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về chu kỳ điều chỉnh giá. Cụ thể, khoản 23 điều 1 dự thảo (sửa đổi khoản 3 điều 28 Nghị định 83) quy định thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được ấn định “cứng” vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng (thay vì trước đó, Bộ Công thương để 2 phương án, gồm: chu kỳ điều chỉnh giá 10 ngày và phương án chu kỳ 15 ngày như đang áp dụng).

Quy định tần suất 10 ngày thì được, nhưng nên có hướng dẫn thêm với tháng 28 ngày, tháng 31 ngày thì cứ cách nhau 10 ngày là đến kỳ điều hành tiếp theo chứ không nhất thiết phải đúng ngày 1 hay 11.

Chuyên gia Ngô Trí Long

Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp sau (khoảng cách 2 kỳ tính giá). Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, ảnh hưởng lớn đến KT-XH, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho kỳ điều hành đó.

Như vậy, so với quy định hiện nay, chu kỳ điều chỉnh giá giữa 2 lần gần nhất từ 15 ngày sẽ rút ngắn xuống còn 10 ngày. Giải thích cho việc đưa ra quy định trên, Bộ Công thương cho hay do thời gian vừa qua, có những lúc giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động liên tục với biên độ lớn, trong khi giá trong nước không được điều chỉnh kịp thời (do điều hành tăng giá tối thiểu phải 15 ngày).
Điều này dẫn đến việc mất cân đối cung cầu do doanh nghiệp càng bán hàng càng lỗ lớn khi giá trong nước quá chênh lệch với giá thế giới. Do đó, ban soạn thảo thống nhất đề xuất sửa đổi quy định về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để sát với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới, đồng thời cũng bổ sung quy định trong trường hợp giá cơ sở có biến động lớn, bất thường, ảnh hưởng đến KT-XH, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho kỳ điều hành đó.
Bộ Công thương cũng khẳng định, kỳ điều hành giá được xác định cụ thể vào 3 thời điểm trong tháng là ngày 1, 11 và 21 hằng tháng để phù hợp với chu kỳ lấy giá trong tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng tháng hiện nay, đồng thời thuận lợi hơn trong việc tổng hợp các dữ liệu tính giá từ báo cáo của các doanh nghiệp hằng quý, hằng tháng.

Chỉ phù hợp với tháng có 30 ngày

Thống nhất với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng rút ngắn thời gian như trên sẽ khắc phục được hạn chế mất cân đối cung cầu do độ trễ về giá trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng giảm nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý Bộ Công thương làm rõ thêm mặt khó khăn, hạn chế; đồng thời đánh giá kỹ tác động ảnh hưởng đến CPI để Chính phủ có cơ sở xem xét quyết định.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia về xăng dầu, việc đưa ra các mốc thời gian điều hành giá xăng dầu ấn định vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng chỉ phù hợp với những tháng có 30 ngày. “Với những tháng có 28, 29 ngày thì kỳ điều hành tại ngày mùng 1 của tháng tiếp theo sẽ xảy ra hiện tượng lấy thiếu giá xăng dầu thế giới để tính toán giá cơ sở (thiếu 1, 2 ngày giá) so với những kỳ điều hành tại ngày 11, ngày 21”, một chuyên gia từng nhiều năm tham gia điều hành xăng dầu nhận định.
Tương tự, với những tháng có 31 ngày, vị này cho rằng kỳ điều hành tại ngày mùng 1 của tháng tiếp theo tháng này sẽ xảy ra hiện tượng lấy thừa giá xăng dầu thế giới để tính toán giá cơ sở (thừa 1 ngày giá) so với những kỳ điều hành tại ngày 11, ngày 21. “Như vậy, việc so sánh diễn biến giá xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá liên tiếp trong các trường hợp nêu trên sẽ bị khập khiễng, kỳ thì thiếu giá, kỳ thừa giá, không thể hiện đầy đủ xu hướng giá xăng dầu thế giới để làm cơ sở cho điều hành giá xăng dầu trong nước”, vị chuyên gia nhận định.
Trả lời Thanh Niên, PGS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng quy định rút ngắn chu kỳ điều hành là rất nên, thậm chí xuống còn 5 hoặc 7 ngày càng tốt để phản ánh lên xuống sát hơn thị trường thế giới bởi công thức tính giá mà dự thảo đưa ra vẫn lấy giá trung bình thế giới để tham chiếu.
Ông Long cũng cho rằng việc ấn định cứng các ngày 1, 11, 21 hằng tháng mà Ban soạn thảo đưa ra là có thể nhằm mục đích dễ nhớ, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện.
CHÍ HIẾU
TNO