23/12/2024

Thuế thu ‘rát’ do ngân sách khó khăn?

Thuế thu ‘rát’ do ngân sách khó khăn?

Trong khi doanh nghiệp lo lắng trước nguy cơ bị xử phạt bởi quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm, lãnh đạo ngành thuế nói đưa ra quy định này do… ngân sách đang gặp khó!

 

Thuế thu rát do ngân sách khó khăn? - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp lên bàn chủ tọa chất vấn ông Đặng Ngọc Minh (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) trong giờ giải lao – Ảnh: N.PHƯỢNG

Nguyên nhân có điều chỉnh này là do đặc thù ngân sách VN rất khó khăn, thu để phục vụ chi cho các cấp chính quyền, cho hoạt động quản lý nhà nước và các tỉnh có số thu ngân sách chưa có khả năng điều tiết.

Ông ĐẶNG NGỌC MINH (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Cũng tại buổi đối thoại về chính sách thuế và hải quan tổ chức ngày 27-11, những quy định mới tại nghị định 126 đã nhận được nhiều chất vấn nhất.

Dù đã đặt câu hỏi tại hội nghị, nhưng trong giờ nghỉ giải lao, ông Đặng Hoàng Linh, đại diện Gojek, đã lên tận bàn chủ tọa để chất vấn về câu chuyện thuế của tài xế xe hai bánh.

Tài xế xe công nghệ phải nộp thêm thuế

Theo ông Linh, chỉ những tài xế xe 4 bánh mới thuộc đối tượng điều chỉnh thuế theo quy định mới từ 5-12, trong khi công ty chỉ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tài xế xe hai bánh, phân chia theo lợi nhuận. Công ty đóng thuế VAT trên phần doanh nghiệp (DN) được hưởng, còn tài xế đang nộp thuế theo quy định từ năm 2017.

DN đang tuân thủ đúng quy định hiện hành của Luật thuế GTGT và công ty đang thu hộ thuế của tài xế để nộp cho cơ quan thuế.

“Quy định mới chỉ áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải, còn Luật giao thông đường bộ chưa quy định loại hình giao thông vận tải di chuyển bằng hai bánh là kinh doanh vận tải nên chúng tôi chỉ là nền tảng kết nối công nghệ, không phải DN vận tải”, ông Linh lập luận.

Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng đó là loại hình kinh doanh vận tải, đồng thời khẳng định chuyện Uber B.V, Grab và Gojek kinh doanh vận tải hay công nghệ không phải bây giờ mới đặt ra.

Trước đây, Uber B.V cũng từng lý luận là dùng công nghệ kết nối dịch vụ nhưng cuối cùng trên thực tế là hoạt động vận tải vì DN không chỉ kết nối mà còn điều hành.

Trong khi đó, đại diện Grab nêu ra thắc mắc: “Phần thuế GTGT trên doanh thu sau chiết khấu của tài xế, theo Luật thuế GTGT và nghị định 126 sẽ phải là 10% hay giữ nguyên 3%? Vì trong nghị định không ghi rõ ai là người đóng 10% VAT của khoản này. Rồi khoản tăng thêm 7% này ai sẽ gánh? Là hãng xe công nghệ, tài xế hay người tiêu dùng?”.

Theo Grab, thuế VAT là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng nhưng sẽ khiến DN bị giảm doanh thu vì người tiêu dùng sẽ ít sử dụng dịch vụ hơn. Trường hợp để tài xế gánh cũng sẽ khó cho tài xế. Trước mắt, từ nay đến ngày 4-12, Grab sẽ áp dụng cách thu cũ, từ 5-12 sẽ theo cách thu mới.

“Với nhiều điểm còn chưa rõ ràng trong nghị định 126, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn, làm rõ. Quan điểm của Grab là tuân thủ tuyệt đối pháp luật. Từ ngày 5-12, chúng tôi sẽ nghiêm túc tuân thủ quy định mới, đồng thời có những giải pháp phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo luật hiện hành, và đảm bảo quyền lợi cho cả người dùng lẫn đối tác tài xế”, đại diện Grab khẳng định.

Phải chia sẻ với Nhà nước?

Tại hội nghị, nhiều DN cũng bức xúc về quy định mới nêu tại nghị định 126, đặc biệt là quy định tổng số thuế thu nhập DN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm.

Theo các DN, thời điểm để tạm nộp thuế quý 3 là 30-10 đã qua. Với quy định này, nếu áp dụng ngay cho kỳ tính thuế năm nay, khả năng DN sẽ đối mặt với nguy cơ bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày. Cũng theo các DN, quy định này không phù hợp với thực tế hoạt động của DN.

Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh cho hay quy định này chưa áp dụng cho kỳ tính thuế năm nay mà chỉ áp dụng từ năm 2021. Theo ông Minh, trước khi quy định mới này được ban hành, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền.

Nguyên nhân có điều chỉnh này là do đặc thù ngân sách VN rất khó khăn, thu để phục vụ chi cho các cấp chính quyền, cho hoạt động quản lý nhà nước và các tỉnh có số thu ngân sách chưa có khả năng điều tiết.

Do vậy thu ngân sách rất quan trọng với hoạt động của chính quyền địa phương. Thực tế rất nhiều DN, đặc biệt là DN niêm yết, dù quy định DN có báo cáo quyết toán theo quý nhưng việc thực hiện nộp ngân sách vẫn không theo đúng tiến độ.

Do vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành quy định để có thể thu kịp thời nhằm phục vụ vấn đề điều hành ngân sách của Chính phủ và bổ sung cho những địa phương khó khăn.

Theo quy định này, nếu 3 quý mà DN không tạm nộp đủ 75% sẽ bị tính tiền chậm nộp với phần thấp hơn 75% đến khi DN nộp đủ vào ngân sách.

“Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn về cách tính. Tất nhiên, qua báo chí và phản ánh của DN, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình để có hướng dẫn cụ thể”, ông Minh nói.

Trả lời câu hỏi liệu cơ quan thuế có sửa đổi quy định, ông Đặng Ngọc Minh cho rằng một số DN kêu không có nghĩa tất cả DN cùng kêu.

“Và ở đây phải lưu ý vấn đề điều hành ngân sách. Phải có sự chia sẻ giữa Nhà nước và DN. Khi chúng tôi giải trình nghị định 126 đã có các số liệu tổng thể của 700.000 – 800.000 DN nên Bộ Tài chính sẽ có nghiên cứu sao cho hài hòa lợi ích của các đối tượng”, ông Minh khẳng định.

Chịu phạt hoặc bị chiếm dụng vốn

Theo điều 7 nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5-12, tài xế xe công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay.

Cũng theo nghị định này, tổng số thuế thu nhập DN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Nếu người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm sẽ phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Như Tuổi Trẻ phản ánh ngày 23-11, nhiều DN cho rằng với quy định số thuế thu nhập DN tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập DN cả năm sẽ đẩy hàng ngàn DN vào nguy cơ bị phạt oan.

Nguyên nhân, doanh thu và lợi nhuận quý 4 của DN, đặc biệt là DN thương mại, dịch vụ… luôn cao hơn 3 quý đầu năm. Do đó, các DN này khó tránh nguy cơ bị phạt, bị đưa vào danh sách đen do không tuân thủ tốt nghĩa vụ nộp thuế.

Để tránh bị phạt, DN tạm nộp thuế nhiều hơn, chấp nhận bị chiếm dụng vốn. Trong khi đó, việc hoàn thuế nếu nộp dư lại là chuyện dài nhiều tập với thủ tục phức tạp, gây bức xúc cho DN nhiều năm qua.

ÁNH HỒNG
TTO