23/11/2024

Khó lường hậu hoạ vụ ám sát nhà khoa học Iran

Khó lường hậu hoạ vụ ám sát nhà khoa học Iran

Không chỉ làm gia tăng mâu thuẫn trong khu vực, vụ chuyên gia hạt nhân Iran bị ám sát còn đặt Mỹ vào thế khó trong lựa chọn chính sách với nước này trong thời gian tới.
Tang lễ của ông Fakhrizadeh tại thành phố Mashhad ở Iran /// AFP
Tang lễ của ông Fakhrizadeh tại thành phố Mashhad ở Iran  AFP
Giới chức Iran hôm qua tiếp tục tuyên bố sẽ trả thù cho nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này là ông Mohsen Fakhrizadeh, giữa lo ngại xung đột bùng nổ. Hãng Tasnim dẫn lời chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds Esmail Qaani chỉ trích “các nước đã tạo ra và dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố” sát hại nhà khoa học Iran “bằng những viên đạn của Mỹ”.
Dù chưa bên nào nhận trách nhiệm vụ phục kích hôm 27.11 bên ngoài thủ đô Tehran nhằm vào ông Fakhrizadeh, nhưng nhiều quan chức Iran đã nêu tên Mỹ và Israel. Chủ tịch Đại học Quốc phòng tối cao Iran Ahmad Vahidi hôm qua cáo buộc Israel đứng sau vụ việc, sau khi được Mỹ bật đèn xanh và được sự giúp đỡ của lính đánh thuê từ bên trong, đồng thời nhấn mạnh Iran sẽ quyết định cách thức cũng như mục tiêu đáp trả.

Iran sẽ không kiềm chế ?

Trong bối cảnh khó lường ở Trung Đông sau vụ việc, AFP hôm qua dẫn lời một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc kêu gọi kiềm chế, tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng trong khu vực và lên án mọi vụ ám sát, sát hại nào không qua xét xử. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án “vụ ám sát ghê tởm” và thủ phạm phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng kêu gọi các bên kiềm chế.
Tuy nhiên, Tasnim dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bác bỏ mọi lời kêu gọi nêu trên. “Điều xấu hổ là một số người từ chối đứng lên chống khủng bố và nấp đằng sau những lời kêu gọi kiềm chế. Việc không trừng phạt sẽ khuyến khích một chế độ khủng bố vốn đã hung hăng sẵn trong máu”, ông Zarif viết trên Twitter.
Phản ứng về vụ ám sát, Đài CNN dẫn lời một phát ngôn viên của Liên minh Châu Âu (EU) lên án vụ việc là “hành động tội phạm đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng nhân quyền của EU” và kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Zarif chỉ trích EU theo tiêu chuẩn kép và cho rằng EU nên lên án rằng đó là hành động khủng bố cấp nhà nước, theo Hãng IRNA. Trước đó, ông Zarif ra thông điệp bằng các ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Ả Rập, Nga và Trung Quốc thông tin với thế giới về vụ việc và kêu gọi cộng đồng quốc tế khiến thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Thế khó của ông Biden

Giới quan sát cho rằng vụ ám sát nhà khoa học Iran còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chính sách của Mỹ với Iran một khi ứng viên Dân chủ Joe Biden chính thức được tuyên bố đắc cử và trở thành tổng thống. Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi chính sách “gây áp lực tối đa” đối với Tehran. Mới đây nhất, chính quyền ông Trump cấm vận các công ty Nga, Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ chương trình tên lửa của Tehran.
Ông Robert Malley, từng là cố vấn về Iran của cựu Tổng thống Barack Obama, đánh giá vụ sát hại ông Fakhrizadeh nằm trong loạt bước đi của chính quyền Tổng thống Trump vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, dường như nhằm gây khó khăn cho nỗ lực của ông Biden nhằm kết nối lại với Iran. “Vụ việc có nguy cơ làm phức tạp khả năng nối lại hoạt động ngoại giao và tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân của ông Biden”, tờ The New York Times dẫn lời ông Malley. Trong khi đó, chuyên gia quốc phòng Ben Friedman tại Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng vụ ám sát là “hành động phá hoại đối với ngoại giao, lợi ích của Mỹ và dường như sẽ giúp ích cho những nhân vật cứng rắn muốn sở hữu vũ khí hạt nhân ở Iran”.
i
Trong quá trình tranh cử, ông Biden đã tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Iran và đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân nếu Iran tuân thủ cam kết. Định hướng chính sách này của ông Biden sẽ khó thành nếu Iran ngày càng mất lòng tin vào Mỹ. Chưa thể kết luận ai đứng sau vụ ám sát trên nhưng những nghi ngờ hoặc trực tiếp nhằm vào Israel và Mỹ đang khiến ngọn lửa thù hằn của Iran như bị châm thêm dầu. Đến lúc này, sự im lặng của phía ông Biden vẫn được xem là sự thận trọng cần thiết.
Nhân vật được bảo vệ nghiêm ngặt
Sau khi xảy ra vụ ám sát ông Fakhrizadeh, Tổng thống Trump dẫn lại một số bình luận liên quan trên Twitter, trong đó có 1 bình luận cho rằng nhà khoa học Iran “bị truy lùng nhiều năm bởi Mossad” – cơ quan tình báo Israel. Theo Hãng DW, ông Fakhrizadeh là một trong những nhân vật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Iran, với sự đảm trách của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Trước khi xảy ra sự việc, hầu như không thể tìm thấy trên mạng bất cứ hình ảnh nào của ông Fakhrizadeh, người được cho là cha đẻ của chương trình hạt nhân ở Iran. Ông Fakhrizadeh từng bị ám sát hụt vào năm 2008 khi một số kẻ chạy xe máy gắn thiết bị nổ vào xe hơi của ông nhưng ông kịp nhảy ra ngoài thoát nạn.
KHÁNH AN
TNO