Thị trường hàng không tới 2023 mới phục hồi ?
Cục Hàng không Việt Nam cùng các hãng bay đang nghiên cứu trình Chính phủ mở lại một số đường bay quốc tế đến Việt Nam.
Tại hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” hôm qua 26.11, ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới đã và sẽ đối diện với 2 kịch bản: theo hình chữ V – sụt giảm xuống đáy nhưng phát triển nhanh trở lại và hình chữ U – giảm xuống đáy và kéo dài từ 3 – 5 tháng, đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48 – 71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Theo ông Hảo, hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi theo hình chữ V. Hiện Cục Hàng không đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh. Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019.
Hãng bay xin hỗ trợ vốn
Nhấn mạnh nhiều lần việc bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi Covid-19, đại diện các hãng hàng không đều thừa nhận lỗ nặng nề. Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet, cho hay các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2 – 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu.
“Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng Nhà nước cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng thương mại cho vay. Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ vốn vay hạn mức 4.000 tỉ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 – 5 năm. Sau đó, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi từ 2023 – 2025”, bà Phương nói.
Đại diện Bamboo Airways cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, cho biết dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỉ USD trong năm nay. Riêng Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000 – 15.000 tỉ đồng.
Mở lại một số chuyến bay quốc tế
Tại hội thảo, đại diện các hãng cũng kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí cất hạ cánh, giá dịch vụ bay đến hết năm 2021; giảm 70% thuế môi trường. Ngoài ra, mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế ở một số nước đã kiểm dịch tốt, không cấp phép bay cho các hãng hàng không cho tới năm 2024 (chỉ cấp phép hãng bay khi tự chủ nguồn lực, có kế hoạch bay và tiềm lực tài chính rõ ràng). Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho vay lãi suất 0% để trả lương cán bộ, công nhân viên…
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhìn nhận đây là thời điểm quyết định thay đổi cục diện cuộc chơi giữa các hãng hàng không trong nước. Tuy nhiên, hàng không là thị trường của tương lai, việc hỗ trợ hàng không theo ông Thiên cũng chính là hỗ trợ cho tương lai. Cụ thể, thị trường nội địa đang là chỗ dựa quan trọng, do đó cần kích hoạt thị trường nội địa hàng không cũng như du lịch tạo nên sức cầu nội địa. Chuyên gia này cũng cho rằng các hãng hàng không Việt cần được cứu và nhà nước phải có trách nhiệm như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất, tránh việc các hãng hàng không “tị nạnh” nhau về phần hỗ trợ.
Cùng quan điểm này, theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, sự hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết, tuy nhiên cần công bằng, dàn đều với tất cả các hãng. “Đại dịch Covid-19 là cơ hội để tổ chức lại ngành hàng không. Trong trường hợp chuyển Vietnam Airlines hay ACV thành doanh nghiệp nhà nước thì cũng cần xã hội hóa, mở cửa hạ tầng hàng không cho tư nhân tham gia sâu, rộng. Khi đó hàng không sẽ thực sự bứt tốc sau dịch”, ông Long nhìn nhận.
MAI HÀ
TNO